Biển là lợi thế của du lịch Việt Nam (Ảnh tư liệu)(ĐCSVN) - Với gần chục địa danh được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, 3 nước Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia hiện đang là thị trường du lịch hấp dẫn nhất khu vực. Theo các công ty lữ hành, du lịch của 3 nước phải liên kết để khai thác hiệu quả lợi thế này.
Việt Nam - Lào - Campuchia - Ba quốc gia một điểm đến, nếu được liên kết chặt chẽ thì đây sẽ là một hành trình du lịch lý tưởng cho du khách. Theo đánh giá của ông Tăng Văn Toản, Giám đốc Vietravel chi nhánh Lào Cai, hiện nay du khách có xu hướng đi tour kết hợp hai, ba quốc gia. Bởi vậy, nếu như sản phẩm du lịch "ba quốc gia một điểm đến" được xây dựng độc đáo, chuyên nghiệp mang lại nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng, thì sẽ thu hút được rất đông khách du lịch. Chẳng hạn như, có thể kết hợp tiềm năng du lịch biển của Việt Nam với du lịch văn hóa Campuchia và du lịch sinh thái Lào, đây cũng là sản phẩm du lịch được khách quốc tế rất yêu thích.
Nhìn lại tiềm năng du lịch của 3 nước Đông Dương thấy rằng đều mang nét đặc trưng của khu vực Đông Nam Á với những công trình và các kỳ quan được thiên nhiên ban tặng, những nét văn hóa độc đáo riêng có. Việt Nam có tiềm năng lớn về du lịch biển với những bãi biển dài, cát trắng mịn nổi tiếng thế giới, những di sản đã được tổ chức di sản thế giới UNESCO công nhận như Vịnh Hạ Long, khu di tích Mỹ Sơn, Phố cổ Hội An, vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, nhã nhạc cung đình Huế, văn hóa Kồng chiêng Tây Nguyên; Campuchia là vùng đất của những ngôi đền cổ kính thuộc quần thể Angkor, cũng như những điểm văn hóa hấp dẫn thuộc thủ đô Pnom Penh và những bãi biển thuộc tỉnh Sihanoukville với đầy đủ các dịch vụ du lịch hoàn hảo; Lào được coi là xứ sở của chùa tháp với 1.400 ngôi chùa, có quần thể hàng trăm bức tượng đúc theo Phật thoại, trong vùng Thà-Đừa.
Hiện các dự án du lịch ở khu vực sông Mê Kông đang được triển khai, đó là chiến dịch Khám phá Mê Kông, Năm du lịch hạ lưu Mê Kông 2009-2010, Diễn đàn Du lịch Mê Kông sẽ được tổ chức tại Cam-pu-chia trong năm 2010, một số dự án phát triển du lịch cũng đang được thực hiện, sẽ là cơ hội để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia.
Tuy nhiên trên thực tế, lượng khách tới với ba nước còn chưa thật sự tương xứng với tiềm năng. Một trong những lý do phải kể đến trước hết là hạ tầng cơ sở còn quá kém, đi lại khó khăn. Việc hợp tác, phát triển của du lịch 3 nước vẫn rất cần nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng như khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, vận chuyển hàng không, đường bộ v.v. Ngoài ra, các hãng lữ hành còn quan tâm đến việc cải thiện giao thông đường hàng không giữa ba nước. Ðó là cần tăng cường các chuyến bay nối các điểm đến của ba nước. Chẳng hạn như hiện nay không có đường bay thẳng từ thành phố Hồ Chí Minh đến Lào mà phải quá cảnh tại Hà Nội.
Ba quốc gia phải chú trọng tới việc cùng phối hợp thực hiện xúc tiến, quảng bá du lịch, đào tạo nguồn nhân lực... nhằm tạo sức mạnh chung đồng thời cũng phải đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tiết kiệm thời gian, chi phí và tạo tâm lý thoải mái cho du khách.
Các công ty lữ hành cũng cần xây dựng những tour du lịch hợp lý cả về thời gian cũng như mức chi phí để hấp dẫn hơn với du khách. Các công ty lữ hành đều cho rằng, du lịch của 3 nước phải liên kết để du khách thấy được sự thuận tiện trong việc di chuyển, hưởng thụ các sản phẩm du lịch, chiêm ngưỡng các thắng cảnh nổi tiếng trong một hành trình không quá dài và chi phí hợp lý thì mới có thể thành công.