Nhiều người lo lắng khi đau 1 bên ngực, đặc biệt các chị em phụ nữ thường lo lắng đây là dấu hiệu cảnh báo ung thư. Tuy nhiên, ung thư vú thường hiếm khi gây ra đau vú. Vậy đau 1 bên ngực (vú) ở nữ là dấu hiệu bệnh gì? Có nguy hiểm không? Bài viết dưới đây được thạc sĩ bác sĩ Huỳnh Bá Tấn, khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM đưa ra một số thông tin tổng quan về đau 1 bên ngực.
Đau 1 bên ngực (vú) là gì?
Đau 1 bên ngực (vú) là tình trạng mô vú ở một bên đau kiểu châm chích, đau rát, đau nhói như dao đâm hoặc căng cứng. Cơn đau có thể diễn ra liên tục hoặc chỉ thỉnh thoảng. Tình trạng này có thể xuất hiện ở cả nam, nữ và người chuyển giới.
Đau vú có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng. Cụ thể:
- Người bệnh chỉ đau một bên ngực vài ngày, 1 tháng hoặc 2-3 ngày trước kỳ kinh nguyệt. Cơn đau ở mức bình thường từ nhẹ đến trung bình.
- Người bệnh đau 1 tuần hoặc lâu hơn. Cơn đau bắt đầu trước và kéo dài đến hết chu kỳ kinh nguyệt. Cơn đau ở mức vừa hoặc nặng.
- Người bệnh đau 1 bên ngực suốt tháng, không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt.
Đau 1 bên ngực ở nữ là dấu hiệu gì?
Đau 1 bên ngực hiếm khi là dấu hiệu cảnh báo ung thư vú. Bác sĩ cần đánh giá tình trạng một bên ngực bị đau không rõ nguyên nhân và không biến mất sau 1-2 chu kỳ kinh nguyệt hoặc kéo dài sau khi mãn kinh. Đau 1 bên ngực dường như không liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố.
Đau nhức 1 bên vú thường xuất hiện ở đâu?
1 bên vú bị đau thường xuất hiện ở những vị trí sau:
- Đau quầng vú.
- Đau núm vú.
- Đau da vú.
- Đau 1 bên ngực gần nách.
- Đau bầu ngực.
9 nguyên nhân đau 1 bên ngực phổ biến và yếu tố rủi ro
Một số nguyên nhân đau 1 bên ngực phổ biến và yếu tố rủi ro, bao gồm:
- Thay đổi nội tiết tố: một bên ngực bị đau theo chu kỳ kinh nguyệt liên quan đến sự dao động nội tiết tố gồm: estrogen và progesterone. Vú cực kỳ nhạy cảm với sự thay đổi nội tiết tố này và thường đau hơn khi phụ nữ già đi do độ nhạy cảm của ngực tăng lên. Đau vú liên quan đến thay đổi nội tiết tố thường đau hai bên. Tuy nhiên, có nhiều phụ nữ đau ở một bên vú nhiều hơn bên còn lại.
- Chấn thương vùng ngực: Giống như bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, ngực có thể chấn thương do tai nạn, chơi thể thao hoặc phẫu thuật ngực. Khi vùng ngực chấn thương, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhói vào thời điểm bị thương và có thể kéo dài vài ngày đến vài tuần. Người bệnh hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu cơn đau không thuyên giảm hoặc nhận thấy bất kỳ dấu hiệu sau đây:
- Vú sưng nặng.
- Xuất hiện khối u ở vú.
- Vú đỏ và ấm, có dấu hiệu nhiễm trùng.
- Xuất hiện vết bầm tím trên vú nhưng không biến mất.
- Mặc áo ngực không phù hợp: Nếu người bệnh mặc áo ngực có kích thước không phù hợp, dây chằng nối mô tuyến vú với thành ngực có thể căng và gây đau, nhức. Điều này có thể xuất hiện nhanh khi người bệnh tập thể dục. Vì vậy, nữ giới hãy mặc áo ngực phù hợp với cơ thể của bản thân để được hỗ trợ nâng và bảo vệ ngực.
- Viêm, nhiễm trùng vú: phụ nữ cho con bú có nhiều khả năng viêm, nhiễm trùng vú. Phụ nữ nhiễm trùng vú có thể sốt và vú xuất hiện triệu chứng như: đau, đỏ, sưng tấy,… Nếu người bệnh nghi ngờ mình nhiễm trùng vú hãy đi khám bác sĩ khoa Ngoại Vú, BVĐK Tâm Anh TP.HCM để được khám, kê thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau để kiểm soát tình trạng viêm nhiễm.
- Tác dụng phụ của thuốc: một số thuốc có tác dụng phụ khiến 1 bên vú bị đau. Người bệnh có thể hỏi bác sĩ về các thuốc bản thân đang dùng có gây ra tác dụng phụ này hay không. Một số loại thuốc có tác dụng phụ đau 1 bên ngực, gồm:
- Oxymethone.
- Thuốc lợi tiểu.
- Liệu pháp hormone (như: thuốc tránh thai, thay thế hormone hoặc điều trị vô sinh).
- Digitalis.
- Methyldopa.
- Do đặt túi ngực trong vú: một số phụ nữ đặt túi ngực bằng silicon hay nước muối có thể đau vú sau phẫu thuật nâng ngực do co thắt bao xơ hoặc mô sẹo hình thành quá chặt xung quanh túi độn. Đau vú có thể là dấu hiệu cảnh báo túi độn đã vỡ. Người bệnh hãy nói chuyện với bác sĩ để được kiểm tra nguyên nhân gây đau ngực có phải do đặt túi ngực hay không.
- U nang vú: là khối u lành tính chứa dịch loãng, có thể xuất hiện đột ngột sau một đêm. Tuy nhiên, nếu sờ thấy khối u ở vú, người bệnh hãy đến gặp bác sĩ để được khám và chẩn đoán chính xác loại khối u. Để chẩn đoán u nang, bác sĩ sẽ chụp X-quang tuyến vú, siêu âm và điều trị bằng cách chọc hút nang. Nếu u nang không gây khó chịu, người bệnh có thể không cần điều trị gì cả.
- Dấu hiệu của ung thư vú: ung thư vú gây đau hiếm khi xảy ra nhưng không phải không có. Ung thư vú dạng viêm gây đau chiếm khoảng 1%-5% trường hợp ung thư vú ở Hoa Kỳ. Triệu chứng bệnh thường xuất hiện đột ngột và tiến triển nhanh chóng. Ung thư vú dạng viêm có thể khiến vú trở nên: đỏ, đổi màu, sưng, căng bóng và đau,… Đồng thời, da vú cũng có thể dày lên hoặc lõm xuống. [1]
- Bệnh liên quan khác: đôi khi, người bệnh đau 1 bên ngực sẽ nhầm lẫn với đau vú. Thực tế, bị đau 1 bên vú có thể do:
- Cơ kéo căng.
- Viêm quanh xương sườn.
- Chấn thương thành ngực.
- Gãy xương.
Triệu chứng đau nhức vú một bên vú cần lưu ý
Triệu chứng đau nhức vú 1 bên, bao gồm:
1. Đau 1 bên ngực theo chu kỳ
- Tình trạng đau 1 bên ngực liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt và sự thay đổi nồng độ hormone.
- Mô vú có cảm giác nặng hoặc đau nhức.
- Đau 1 bên ngực thường kèm theo sưng vú, căng tức.
- Vú bị đau một bên thường ảnh hưởng đến phần trên, bên ngoài và có thể lan xuống nách.
- Đau 1 bên ngực kéo dài khoảng 2 tuần trước khi bắt đầu kỳ kinh nguyệt, sau đó giảm dần.
- Đau 1 bên ngực xuất hiện ở người 20 - 30 tuổi, hoặc người 40 tuổi đang chuyển sang thời kỳ mãn kinh.
2. Đau 1 bên ngực không theo chu kỳ
- Bị đau một bên ngực không xuất hiện gần chu kỳ kinh nguyệt
- Đau 1 bên ngực này có cảm giác căng cứng, nóng rát.
- Cơn đau diễn ra liên tục hoặc gián đoạn.
- Cơn đau thường xảy ra 1 bên vú, ở 1 khu vực cục bộ và có thể lan rộng khắp vú.
- Đau 1 bên ngực thường xảy ra sau thời kỳ mãn kinh.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Người bệnh cần hẹn gặp bác sĩ để được khám nếu đau 1 bên ngực:
- Diễn ra hàng ngày, kéo dài hơn 1 tuần.
- Cơn đau xảy ra ở 1 khu vực cụ thể trên vú.
- Mức độ đau 1 bên ngực ngày càng tăng theo thời gian.
- Cơn đau ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày.
- Mức độ đau quá nhiều gây ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Nguy cơ đau 1 bên ngực cảnh báo ung thư vú rất thấp. Bác sĩ có thể khám và đề nghị kiểm tra dấu hiệu ung thư vú. Điều quan trọng người bệnh cần theo dõi tình trạng mô vú liên tục.
Phương pháp chẩn đoán đau 1 bên ngực
Bác sĩ chẩn đoán tình trạng đau 1 bên ngực bằng một số phương pháp sau:
- Khám vú lâm sàng: bác sĩ sẽ kiểm tra những thay đổi ở ngực, vú, hạch bạch huyết ở nách và cổ. Bác sĩ sẽ dùng ống nghe kiểm tra nhịp tim và hơi thở từ phổi. Đồng thời, bác sĩ kiểm tra ngực và bụng để xác định cơn đau có liên quan đến bộ phận khác không. Nếu tiền sử bệnh, kết quả khám vú và khám tổng quát cho thấy không có gì bất thường, người bệnh có thể không cần xét nghiệm bổ sung.
- Chụp X-quang tuyến vú: bác sĩ cảm thấy vú có khối u, dày lên bất thường hoặc cơn đau tập trung ở mô vú, người bệnh cần chụp X-quang vú để đánh giá tình trạng này.
- Siêu âm: phương pháp này sử dụng sóng siêu âm để tạo ra hình ảnh vú. Siêu âm thường được kết hợp với chụp X-quang tuyến vú. Việc này nhằm đánh giá vùng đau tập trung ngay cả khi chụp X-quang tuyến vú có kết quả bình thường.
- Sinh thiết vú: khi vú người bệnh xuất hiện khối u bất thường hoặc thấy vùng bất thường trong quá trình kiểm tra hình ảnh, bác sĩ có thể yêu cầu sinh thiết. Trong quá trình sinh thiết, bác sĩ sẽ lấy một mẫu nhỏ mô vú từ khu vực nghi ngờ và gửi đi phân tích trong phòng thí nghiệm.
Điều trị đau nhức vú 1 bên vú thế nào?
Người bệnh có thể điều trị đau nhức 1 bên vú bằng cách sau [2]:
- Chọn áo ngực phù hợp: hãy mặc áo ngực có kích thước phù hợp, thoải mái.
- Thuốc giảm đau: người bệnh dùng thuốc không kê đơn như ibuprofen (advil , motrin,…) hoặc acetaminophen (tylenol) để giảm triệu chứng đau 1 bên ngực. Người bệnh cần lưu ý hỏi bác sĩ liều lượng trước khi dùng.
- Chườm nóng hoặc lạnh: việc này giúp giảm sưng và đau vú.
- Với việc cho con bú: nếu cơn đau liên quan đến việc cho con bú, người bệnh hãy vắt sữa để ngăn tình trạng căng sữa. Đồng thời, người bệnh hãy đến gặp bác sĩ để điều chỉnh cho bé bú sữa đúng cách.
- Đau 1 bên ngực theo chu kỳ: bác sĩ có thể kê đơn thuốc tránh thai hoặc thuốc chẹn estrogen để kiểm soát nồng độ hormone. Bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh nếu cơn đau liên quan đến viêm vú.
Chăm sóc giảm tình trạng đau một bên ngực
Một số cách chăm sóc giảm tình trạng đau một bên ngực, bao gồm:
- Tránh liệu pháp hormone nếu có thể.
- Tránh dùng thuốc gây đau vú hoặc khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
- Mặc áo ngực vừa vặn và sử dụng áo ngực thể thao khi tập thể dục.
- Hãy thử liệu pháp thư giãn để kiểm soát mức độ lo lắng liên quan đến cơn đau vú.
- Hạn chế hoặc ngưng sử dụng sản phẩm chứa caffeine.
- Tránh hoạt động nâng đồ vật nặng quá mức kéo dài.
- Giữ chế độ ăn ít chất béo và nhiều carbohydrate.
- Hãy hỏi bác sĩ trước khi sử dụng thuốc giảm đau, chẳng hạn như acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen (Advil, Motrin IB,…).
Khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM quy tụ các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm và liên tục cập nhật nhiều phương pháp điều trị mới trên thế giới giúp khám, tầm soát, chẩn đoán ung thư vú sớm và các bệnh lý tuyến vú khác, đưa ra kế hoạch điều trị toàn diện, hiệu quả và rút ngắn thời gian đáng kể. Đặc biệt, người bệnh có thể chia sẻ những khó khăn, lo lắng với các thành viên trong “CLB bệnh nhân ung thư vú bệnh viện Tâm Anh“.
Đau 1 bên ngực thường lành tính. Đôi khi, người bệnh vô tình chấn thương trong các hoạt động cuộc sống hoặc thay đổi nội tiết tố gây ra. Thông qua bài này, người bệnh hiểu hơn về tình trạng đau của bản thân và giảm căng thẳng, lo lắng về bệnh ung thư tiềm ẩn.