1. Bạn cần bổ sung bao nhiêu calo trong một ngày?
Trước khi tìm lời giải đáp cho câu hỏi “ăn mì tôm có béo không”, chúng tôi sẽ giúp bạn tìm hiểu lượng calo mà chúng ta cần có trong ngày.
Để có năng lượng hoạt động trong suốt cả ngày dài, bạn cần tiêu thụ một lượng thực phẩm nhất định. Trong đó, Calo chính là đơn vị đo năng lượng khẩu phần ăn hàng ngày của bạn.
Bổ sung nhiều calo gây tăng cân
Lượng calo mỗi người cần trong một ngày sẽ dựa vào nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như độ tuổi, cân nặng, chiều cao, thể trạng sức khỏe, nhu cầu hoạt động và một số yếu tố khác.
Trung bình:
+ Trẻ nhỏ cần 1200 đến 1400 calo mỗi ngày.
+ Thiếu niên có mức độ vận động vừa phải cần 2000 đến 2800 calo/ngày.
+ Nữ giới có cân nặng trung bình cần 2000 calo.
+ Nam giới cần khoảng 2.600 calo/ngày.
Nhiều người cho rằng ăn mì tôm là nguyên nhân gây tăng cân
Khi bạn tiêu thụ nhiều calo hơn số lượng cơ thể cần thì bạn sẽ có nguy cơ tăng cân. Ngược lại, nếu bạn đưa dung nạp ít calo hơn so với mức cơ thể cần thì bạn có thể bị giảm cân. Do đó, để duy trì cân nặng vừa phải, bạn nên tính toán để dung nạp một lượng calo phù hợp với cơ thể.
2. Ăn mì tôm có béo không?
Một người trưởng thành cần 2000 đến 2500 calo. Trong khi đó, một gói mì ăn liền nặng 75g thường cung cấp khoảng 300 đến 350 calo, khoảng 40g chất bột đường, 6,9g đạm, khoảng 13g chất béo. Các chất béo, bột đường, đạm và lượng calo chúng cung cấp cho cơ thể đã được tính toán kỹ lưỡng và không phải là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tăng cân như nhiều người vẫn lầm tưởng.
Tuy nhiên, nếu ăn không đúng cách, bạn vẫn có thể tăng cân vù vù. Dưới đây là một số sai lầm thường gặp phải khi ăn mì tôm khiến bạn tăng cân vù vù:
- Khi nấu mì gói, nhiều người có thói quen bổ sung thêm nhiều loại thực phẩm khác để bát mỳ thêm hấp dẫn và đầy đủ dưỡng chất, chẳng hạn như các loại thịt cá, trứng, xúc xích, mực, chả, thịt nguội,... Vì thế, dù không mất nhiều công sức nấu nướng, bạn vẫn có những bữa ăn cân bằng dinh dưỡng.
Ăn mì tôm kèm với nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng có thể gây tăng cân
Tuy nhiên, nếu bạn ăn mì kèm với quá nhiều thực phẩm giàu dưỡng chất, đặc biệt là bổ sung quá nhiều đạm, khiến lượng calo cung cấp cho cơ thể tăng vượt so với mức cần thiết sẽ dẫn tới tình trạng tăng cân.
Để tránh gặp phải tình trạng này, khi nấu mì bạn cần lưu ý chỉ bổ sung thêm một lượng vừa phải các thực phẩm giàu dinh dưỡng. Tốt nhất nên ưu tiên các loại rau củ để tăng cường vitamin, khoáng chất giúp bạn no lâu hơn, tốt cho hệ tiêu hóa và phòng tránh nguy cơ tăng cân. Hơn nữa, các loại rau củ cũng khiến bát mì của bạn hấp dẫn, dễ ăn hơn rất nhiều.
- Ăn uống mất cân bằng, ăn mì tôm trước khi đi ngủ: Nếu không tính toán, rất khó để biết bạn đã tiêu thụ bao nhiêu calo và rất dễ dẫn đến tình trạng ăn quá nhiều và gây tăng cân. Chẳng hạn, trong một ngày, bạn đã ăn đủ 3 bữa nhưng đến khuya, bạn lại muốn ăn thêm một bát mì tôm. Như vậy, bạn đã dung nạp quá nhiều calo, điều này dẫn tới tích tụ mỡ thừa và gây tăng cân.
Một số nghiên cứu còn cho biết, sau khi đi vào dạ dày khoảng 2 tiếng, mì tôm vẫn chưa được tiêu hóa hết. Vì thế, bạn nên cân đối các bữa ăn trong ngày để cơ thể được cung cấp năng lượng một cách phù hợp nhất. Không nên ăn khuya để tránh tăng cân.
- Ăn mì tôm thay cho bữa sáng: Ăn một gói mì tôm với nước sôi là bữa ăn đơn giản và tiện lợi của nhiều người. Tuy nhiên, nếu ăn như vậy, bạn sẽ không cung cấp đầy đủ năng lượng cho cơ thể. Đó chính là lý do khiến bạn nhanh đói, mệt mỏi và khó tập trung, thậm chí khiến bạn có xu hướng ăn thêm và vượt quá mức nhu cầu của cơ thể, từ đó gây tăng cân. Tình trạng này kéo dài cũng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe dạ dày.
- Dùng mì làm bữa ăn chính: Trong mì tôm có nhiều tinh bột, carbohydrate và chất béo bão hòa nhưng lại rất ít đạm, vitamin, chất xơ. Vì thế bạn không nên dùng mì tôm là bữa ăn chính để tránh tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng và gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Hơn nữa, nếu ăn mì tôm quá nhiều, bạn còn có nguy cơ nóng trong và nổi nhiều mụn.
- Ăn sống: Khi ăn sống, mì tôm rất giòn và dễ ăn. Vì thế, nó đã nhanh chóng trở thành món khoái khẩu của nhiều người. Tuy nhiên, trong thực phẩm này có chứa nhiều chất béo khó tiêu nên việc ăn mì tôm sống có thể khiến bạn bị đầy bụng và tăng cân.
3. Hướng dẫn ăn mì tôm đúng cách
- không nên ăn mì úp, bạn nên bỏ nước đầu và sau đó nấu mì với nước lần thứ 2. Đồng thời, có thể kết hợp với những thực phẩm khác để có một bát mì thơm ngon, cân bằng dưỡng chất và tốt cho sức khỏe.
Không nên ăn mì tôm sống để tránh gây tăng cân
- Không nên ăn gói gia vị trong gói mì.
- Nên bổ sung thêm rau xanh khi nấu mì.
- Có thể cho thêm vào mỗi bát mì từ 25 đến 30g thịt.
- Không sử dụng mì đã hết hạn.
- Sau khi ăn mì nên uống nhiều nước.
Như vậy, với thắc mắc “ăn mì tôm có béo không”, câu trả lời là “không” với điều kiện bạn biết ăn mì đúng cách để bổ sung một lượng dinh dưỡng cân đối cho cơ thể. Tuy nhiên, bạn cũng không nên ăn quá nhiều mì tôm để tránh gây ra những vấn đề sức khỏe không mong muốn. Ngoài ra, để duy trì cân nặng hợp lý, bạn cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh như ngủ đủ giấc, hạn chế ăn vặt, tập thể dục mỗi ngày và kiểm soát căng thẳng.
Mọi thắc mắc về vấn đề dinh dưỡng hoặc có nhu cầu thăm khám, quý khách hàng có thể liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được hướng dẫn đặt lịch khám sớm.