Phật giáo có tin sự tồn tại của linh hồn hay không?
Linh hồn là gì?
Linh hồn, tiếng Hy Lạp là Psyche, nghĩa là sự sống, tinh thần, ý thức. Socrates bảo linh hồn là tinh thể (Essence). Platon giảng rằng linh hồn bao gồm lý trí (Logos), tình cảm (Thymos) và ái dục (Eros). Aristote định nghĩa linh hồn là hoạt tính của một cơ thể sống và cho rằng linh hồn sẽ mất đi khi cơ thể không còn nữa, giống như hoạt tính của con dao là cắt, khi con dao bị hư hoại thì hoạt tính cắt không còn nữa (xem De Anima - Về linh hồn).
Phật giáo luận theo ngôn ngữ, tín ngưỡng của dân gian, vẫn nói đến linh hồn, vong linh, hương linh… để chỉ cái phần còn lại sau khi chết của một người. Nhưng dù gọi là gì đi nữa thì theo giáo lý duyên sinh , vô thường, vô ngã, Phật giáo không bao giờ chủ trương cái phần phi vật chất này, hay linh hồn, là thường hằng, bất diệt. Theo Phật giáo, linh hồn là tính biết, cái biết, sự nhận thức, tư duy…, gọi chung là Thức. Thức bao gồm một nội dung được xem là những dấu ấn, những hạt mầm (chủng tử - bija) được tạo nên bởi những hành tác của một người trong đời sống hiện tại và những đời sống trước kia, còn được gọi là nghiệp hay nghiệp thức.
Vai trò của linh hồn trong sự luân hồi và tái sinh
Phật giáo gọi linh hồn là Thức hay Nghiệp thức do vô minh từ vô thỉ mà có. Nó là vọng thức, luôn luôn vận hành, biến đổi theo hoàn cảnh và hành tác của một người, và là động lực khiến chúng sanh trôi lăn trong sinh tử luân hồi. Do tu tập, Thức sẽ biến thành Trí tuệ tuyệt đối, thành Giải thoát tối hậu, chấm dứt sinh tử, chứng đạt Niết bàn.
Gọi hồn là gì?
Gọi hồn là việc kêu gọi linh hồn của một người đã chết quay trở về để nói chuyện với người đang sống. Người ta tin rằng một số người có khả năng đặc biệt có thể giao lưu được với người ở thế giới tâm linh mà ta vẫn thường gọi là thầy cúng hoặc người có khả năng ngoại cảm (nhà ngoại cảm).
Khái niệm gọi hồn được hiểu như sau: Nhà ngoại cảm sẽ “làm phép” để linh hồn người đã chết có thể nhập vào thể xác của một người còn sống. Qua đó người bình thường có thể giao lưu, nói chuyện được với linh hồn của người đã chết. Thể xác đó có thể là chính nhà ngoại cảm nhưng cũng có thể là người nhà của người đã chết.
Thu thập bằng chứng về linh hồn dưới góc nhìn khoa học
Có nên gọi hồn người chết hay không?
Theo quan điểm Phật giáo, một người sau khi chết có thể lập tức tái sinh (đối với người tạo nghiệp cực thiện hay cực ác) hoặc trải qua giai đoạn trung gian từ 1 đến 49 ngày rồi tùy theo nghiệp mà tái sinh vào cảnh giới tương ứng. Trừ những trường hợp đặc biệt chết do đột tử, bất đắc kỳ tử thường gọi là chết oan, còn lại đa phần sau 49 ngày các hương linh (tên gọi khác của linh hồn trong Phật Giáo) đều theo nghiệp tái sinh.
Theo giáo lý Nhân quả - Nghiệp báo, những nỗ lực của người thân hướng về hương linh như tạo phước, cầu nguyện… trợ duyên, ảnh hưởng tốt đến hương linh được phần nào thôi chứ không can thiệp sâu vào khuynh hướng tái sinh của họ. Vì mỗi người đều phải ‘thừa tự’ nghiệp lực của chính mình. Để được giải thoát, tự thân hương linh phải tỉnh thức và hướng thiện. Không ai có thể cứu vớt chúng ta ngoại trừ những nỗ lực tu tập của chính chúng ta.
Cỏ cây có linh hồn hay không?
Do vậy, khi người thân mất đi, trách nhiệm của mỗi Phật tử, người thân trong gia đình là tận tâm dốc lòng cầu nguyện và tạo phước để hồi hướng, mong hương linh siêu thoát. Còn siêu thoát hay không là do sự tỉnh thức chuyển hóa nghiệp lực của chính họ, thân nhân chỉ trợ duyên mà không thể can thiệp được. Cho nên, không cần gọi hồn, triệu hồn, cầu hồn hay các phương pháp tương tự vì không mang đến lợi ích thiết thực cho hương linh và chỉ tốn kém, gây lo lắng hoang mang thêm cho thân nhân. Mỗi người Phật tử cần có chính kiến trong những sự việc tương tự để khỏi rơi vào tà kiến, mê tín dị đoan.