"Người mơ mộng tới gia đình là người ta có cha có mẹ. Còn mình không biết gia đình làm sao mà mơ mộng. Tôi chỉ nghĩ có việc làm, làm ra tiền là được rồi, chứ không nghĩ chuyện gia đình" - anh Phạm Xuân Hùng buồn bã nói.
Số phận trớ trêu trong Như chưa hề có cuộc chia ly
Anh Phạm Xuân Hùng là con trai của ông Phạm Xuân Cưu, từng là bộ đội huyện Châu Thành. Mẹ anh là bà Võ Thị Hiếu. Cả hai hiện đã mất.
Cuộc đời của anh được kể lại như một thước phim buồn, rất buồn.
Ông Phạm Xuân Cưu quê ở Thái Bình. Ông đi bộ đội từ năm 1964, để lại vợ và hai người con thơ cho cha mẹ và các cô nuôi. Ông đi một mạch, mãi đến tháng 8-1975 gửi thư về nhà bảo ở Bà Rịa. Cả nhà không ai tin.
Đến tháng 10-1975, ông trở về nhà. Vợ ông từng bị tai biến, nằm một chỗ. Sau khi ông về chỉ một thời gian ngắn bà mất.
Trailer Như chưa hề có cuộc chia ly tập 176: Làm sao nhớ khi không biết "gia đình" là gì?
20 ngày sau, ông Cưu hết phép, trở về đơn vị ở Bà Rịa. Rồi ông lấy bà Hiếu, là đồng đội, có một người con riêng. Năm 1977 vợ chồng ông có con, đó là Hùng.
Một năm sau, bố ông mất, ông về quê chịu tang. Lúc này, mẹ và hai cô em biết ông có vợ con ở trong đó nhưng họ không đồng ý.
Sau này, các em ông viết thư bắt ông về quê để chăm sóc mẹ già và hai con còn nhỏ. Dự định đem hai con về Bà Rịa sống cùng bà Hiếu đã không thành. Bà Hiếu cũng không muốn ra Bắc sống vì chẳng quen biết ai.
Năm 1978 ông Cưu xin phục viên. Năm 1979 ông lấy vợ cùng làng theo sự sắp đặt của các em rồi có con. Từ đó ông không còn tự do nghĩ đến vợ con trong Nam nữa.
Cũng từ khi rời xa cha, Hùng bắt đầu nếm trải biết bao đắng cay của cuộc đời.
Lúc còn bé, có thời gian anh cùng người anh và em gái cùng cha khác mẹ đến Cần Thơ, sống lay lắt đầu đường xó chợ.
Anh ban ngày bán bánh mì dạo, em gái bán vé số kiếm tiền. Tối về cả nhà ngủ trên các sạp bán hàng. Cuộc sống vô cùng khó khăn.
Rồi mẹ lâm bệnh, mất khi chỉ có anh bên cạnh. Anh Hùng lúc đó mới 15 tuổi, bôn ba khắp nơi để kiếm sống.
"Thời gian tôi ở nhiều nhất là Bình Dương. Còn trước đây chỗ nào có việc làm là tôi đi tới chỗ đó. Mấy tỉnh miền Tây chỗ nào tôi cũng tới. Cà Mau cũng xuống làm củi. Phụng Hiệp cũng qua bển làm lò đường. Còn bánh mì tôi làm ở Cần Thơ. Tôi nhảy lên Đồng Nai đi bán nước đá", anh kể.
Giờ đây sau khi công ty ở Bình Dương bị giải thể, anh Hùng về Sóc Trăng, quê hương vợ thứ hai của anh.
Nhờ sự cưu mang của anh vợ, anh mở tiệm sửa xe. Hiện vợ anh vẫn ở Bình Dương làm công nhân.
"Có khi nào anh trách ba không?", cô biên tập chương trình hỏi.
Anh buồn bã trả lời: "Đâu có lý do gì để trách. Tôi đâu biết gì đâu. Nhưng tôi tin là ông có thương tôi chứ. Bà má trước kia có kể rằng, ông thương anh Vũ lắm, thường đi làm về là công kênh anh trên vai. Con riêng vợ mà còn thương thế, nữa là con mình".
Từ nay sống tốt với nhau thôi
Người viết thư đến Như chưa hề có cuộc chia ly nhờ tìm em trai mình là ông Phạm Xuân Bản, con trai trưởng của ông Phạm Xuân Cưu.
Ông Bản ròng rã tìm em mình từ năm 1993. Mãi 30 năm sau nhờ Như chưa hề có cuộc chia ly ông mới tìm thấy.
Ôm chầm người em chưa bao giờ gặp mặt, ông nghẹn ngào nói: "Anh thương em quá. Em có gì trách móc về bố không?".
Rồi ông rớt nước mắt phân trần: "Mọi cái là quá khứ. Mình sống thời hiện tại, hướng về sau này. Thôi thì em bỏ qua tất cả nhé. Những gì bố không làm tròn với em, anh thay mặt bố xin lỗi".
Bà Phạm Thị Sáu - em ông Phạm Xuân Cưu - người đã viết lá thư kêu anh mình trở về quê để báo hiếu cha mẹ, nuôi hai người con nhỏ, cũng nói lời xin lỗi anh Hùng trong nước mắt: "Tôi viết thư như thế là sai, làm cho cha con xa cách nhau. Tôi cũng thấy ân hận chứ.
Cô mong cháu thông cảm, bỏ qua cho cô những gì mà cô nông nổi gây ra. Cũng chỉ vì cô thương bố cháu quá. Từ nay trở đi cô cháu chỉ sống tốt với nhau thôi".
Qua câu chuyện ông Bản kể thì cha ông đã ôm nỗi dằn vặt, buồn đau cho đến cuối đời vì đã không làm tròn trách nhiệm của một người cha.
"Khi tôi lập gia đình, có con trai đầu. Bố tôi bảo chú đã đặt tên là Phạm Xuân Hùng, giờ đặt tên cháu là Phạm Hùng để lúc nào trong nhà cũng có tên Hùng cho lương tâm bố thấy thoải mái. Bố coi cháu như con thất lạc", ông Bản kể.
Năm 1985, người cháu họ là anh Bấn vào Bà Rịa - Vũng Tàu lái xe. Anh tìm được Hùng và đưa về nuôi, hẹn tết 1987 đưa Hùng về quê.
Nhưng anh Bấn bị mất đột ngột. Gia đình nghe nói bà Hiếu đến đám tang rồi đưa Hùng đi luôn.
Ông Cưu cũng đi đến Bà Rịa để tìm Hùng vào năm 2000, nhân chuyến đi thăm chiến trường cũ được tổ chức cho cựu chiến binh.
Không có kết quả gì, ông trở về quê một thời gian rồi mất.
Ông Bản trước khi đến Bình Phước lập nghiệp năm 1993 đã đến Bà Rịa mấy ngày ròng rã tìm bà Hiếu, em Hùng theo hướng dẫn của cha. Nhưng rồi ông cũng thất bại.
"Cuộc đoàn tụ có ý nghĩa nhất sẽ là cuộc đoàn tụ dành cho người cần tới nó nhất. Càng cần thiết hơn với người không có ý niệm gì về gia đình, như anh Phạm Xuân Hùng",nhà báo Thu Uyênxúc động nói trong chương trình.
Ý nghĩa cuộc đoàn tụ thể hiện rõ trên khuôn mặt của anh Hùng, ở đôi mắt đã bớt buồn vời vợi. Cuối cùng thì anh Hùng đã nở nụ cười, dù đó chỉ là nụ cười mỉm thoáng qua.
Tháng 4- 2024
6 cuộc tìm ra
1.059 đầu thông tin mới được xử lý.
72 hồ sơ tìm kiếm mới được thiết lập.