15 bệnh về đường hô hấp thường gặp: Nhận biết và phòng tránh

Các bệnh về đường hô hấp thường xảy ra quanh năm, nhưng tần suất mắc nhiều nhất là vào thời điểm giao mùa, thời tiết thất thường, nhiệt độ ngày và đêm có sự chênh lệch lớn.

Những đối tượng có nhiều nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp: trẻ em dưới 5 tuổi, người lớn trên 65 tuổi, người có bệnh nền mạn tính, người bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai là những đối tượng dễ mắc bệnh nhất và gặp biến chứng nặng, thậm chí là tử vong nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách. Hiểu rõ về các bệnh hô hấp thường gặp sẽ giúp mỗi người chủ động hơn trong việc phòng ngừa, theo dõi và điều trị bệnh sớm để bảo vệ sức khỏe chính mình và những người xung quanh.

BS.CKI Nguyễn Tiến Đạo, Quản lý Y khoa vùng 4 TP.HCM, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC chia sẻ: “Các bệnh hô hấp ảnh hưởng đến 1/5 dân số và là nguyên nhân gây tử vong lớn thứ ba ở Anh (sau ung thư và bệnh tim mạch). Trong đó, ung thư phổi, viêm phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là những căn bệnh gây tử vong nhiều nhất. Nếu không có biện pháp phòng ngừa chủ động, việc mắc bệnh và tái phát nhiều lần sẽ khiến chức năng phổi ngày càng xấu đi và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh”.

các bệnh về đường hô hấp

Phân loại các bệnh về đường hô hấp

Các bệnh về đường hô hấp ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống. Hiểu rõ về nguyên nhân gây ra các căn bệnh này sẽ giúp người bệnh chủ động hơn trong việc phòng ngừa, nhận biết sớm dấu hiệu bệnh và là cơ sở để bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị đúng cách, giúp người bệnh mau chóng phục hồi sức khỏe.

1. Phân theo mức độ cấp tính

Bệnh hô hấp cấp tính là bệnh nhiễm khuẩn đường thở gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng hô hấp của con người. Bệnh thường ảnh hưởng đến đường hô hấp trên (xoang mũi, tai, hầu - họng) hoặc đường hô hấp dưới (phổi, khí quản, phế quản, tiểu phế quản và các phế nang). Một số bệnh hô hấp cấp tính thường gặp ở trẻ em và người lớn là viêm mũi, họng, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm amidan, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi…

Các bệnh hô hấp mạn tính là bệnh ảnh hưởng đến đường hô hấp và các cấu trúc khác của phổi. Chúng không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh mà còn là gánh nặng cho gia đình và toàn xã hội. Một số bệnh hô hấp mạn tính thường gặp là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, giãn phế quản, bệnh xơ phổi…

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết các yếu tố có nguy cơ cao gây mắc bệnh hô hấp mạn tính bao gồm hút thuốc lá (trực tiếp và thụ động), ô nhiễm không khí, chất gây dị ứng và rủi ro đến từ đặc thù nghề nghiệp. [1]

2. Phân theo vị trí bị bệnh

Bệnh đường hô hấp trên là bệnh lý nhiễm trùng ảnh hưởng đến hệ hô hấp trên (xoang mũi, tai, hầu - họng, thanh quản) do các tác nhân như virus hợp bào hô hấp, virus sởi cúm, vi khuẩn E.coli, tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, Bordetella, trực khuẩn mủ xanh, tụ cầu vàng hay nấm candida… gây ra. Trong đó viêm họng, cảm lạnh, viêm xoang, viêm mũi, viêm thanh quản, viêm tai giữa là các bệnh đường hô hấp trên thường gặp nhất.

Bệnh đường hô hấp dưới là bệnh lý nhiễm trùng ảnh hưởng đến hệ hô hấp dưới (phổi, khí quản, phế quản, tiểu phế quản và các phế nang), trong đó viêm phổi và viêm phế quản là hai bệnh đường hô hấp dưới phổ biến nhất. Bệnh lây truyền qua những giọt bắn trong không khí có chứa virus, vi khuẩn khi người bệnh ho, hắt hơi, giao tiếp hoặc bám trên các bề mặt tiếp xúc.

cấu tạo hệ hô hấp

3. Phân loại theo nguyên nhân

Các bệnh về đường hô hấp do virus gây ra thường ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp của người bệnh, đặc biệt là những người có bệnh nền mạn tính và suy giảm hệ miễn dịch. Virus gây các bệnh hô hấp thường tác động đến cả đường hô hấp trên và cả hệ đường hô hấp dưới.

Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người bệnh có thể đối mặt với tình trạng suy hô hấp nhanh, đồng thời các độc tố của virus sẽ khiến các cơ quan nội tạng trong cơ thể bị nhiễm độc. Một số virus gây các bệnh về đường hô hấp phổ biến như: virus cúm A và B, Adenovirus, Rhinovirus, virus hợp bào hô hấp (RSV)…

Các bệnh về đường hô hấp thường do vi khuẩn phế cầu (Streptococcus Pneumoniae), Haemophilus influenzae (H.I) và Moraxella catarrhalis, Klebsiella Pneumoniae, Chlamydia Trachomatis, Staphylococcus Aureus… trong đó phế cầu (Streptococcus Pneumoniae) và Haemophilus influenzae (H.I.B) là hai loại vi khuẩn phổ biến nhất và nguy hiểm gây các bệnh hô hấp trên và dưới ở cả trẻ em và người lớn.

Các chuyên gia nhất mạnh nhiễm khuẩn hô hấp do vi khuẩn rất nguy hiểm và thường phải sử dụng kháng sinh để điều trị. Đặc biệt phế cầu khuẩn (Streptococcus Pneumoniae) còn có khả năng kháng kháng sinh nên gây khó khăn cho quá trình điều trị và thời gian phục hồi sức khỏe kéo dài.

Các bệnh dị ứng đường hô hấp thường xảy ra khi cơ thể hít phải các chất gây dị ứng như khói bụi, phấn hoa, mạt bụi, lông thú cưng, khói thuốc lá, ô nhiễm không khí hoặc khi thời tiết thay đổi, nhiệt độ thất thường, không khí ẩm ướt làm gia tăng các tác nhân gây bệnh, điều này khiến nguy cơ dị ứng tăng lên và ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp.

Lý giải về vấn đề này, các chuyên gia cho biết các tác nhân gây dị ứng này tác động trực tiếp đến hệ hô hấp, khiến cơ thể phản ứng lại với chúng. Trong đó, đơn cử là bệnh viêm mũi dị ứng - tình trạng này được giải thích là do hệ miễn dịch phản ứng quá mức với các chất gây dị ứng có trong không khí.

Một số bệnh về đường hô hấp được cho là có thể đến từ yếu tố di truyền như hen suyễn, viêm phế quản mạn tính.

⇒ Xem thêm: Bệnh hô hấp là gì? Nguyên nhân gây ra và triệu chứng nhận biết.

Các bệnh về đường hô hấp thường gặp

1. Cúm

Cúm là một trong các bệnh về đường hô hấp cấp tính do nhiễm virus (Influenza virus), phổ biến ở cả trẻ em (20-30%) và người lớn (5-10%), thường xảy ra khi thời tiết thất thường và thay đổi đột ngột. Người bệnh sau khi nhiễm virus, chúng sẽ tấn công vào đường hô hấp trên và dưới gây ra các triệu chứng như sốt, đau đầu, mệt mỏi, khó thở, nghẹt mũi, chảy nước mũi, buồn nôn và nôn, cảm thấy ớn lạnh, đổ mồ hôi, tiêu chảy (thường gặp ở trẻ em hơn người lớn).

Hầu hết mọi người mắc cúm đều phục hồi sức khỏe hoàn toàn sau vài ngày. Tuy nhiên, bệnh sẽ trở nặng và trầm trọng hơn ở trẻ em dưới 5 tuổi, người lớn trên 65 tuổi, người mắc bệnh nền mạn tính, người có hệ miễn dịch bị suy giảm và phụ nữ mang thai.

Nếu không được phát hiện và điều trị đúng phương pháp, người bệnh có nguy cơ cao đối mặt với các biến chứng viêm phổi, viêm não, viêm màng não, viêm cơ, nhiễm trùng tai, nhiễm trùng xoang, suy hô hấp và làm trầm trọng thêm các bệnh mạn tính, thậm chí là tử vong. Trong đó, viêm phổi là biến chứng nặng nề nhất do cúm gây ra.

Hiện nay, các loại thuốc thông thường được bác sĩ chỉ định đều có mục đích giảm nhẹ các triệu chứng do bệnh gây ra, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn. Chính vì vậy, cần chủ động tiêm vắc xin cúm mỗi năm để cơ thể có đủ lượng kháng thể cần thiết chống lại các chủng virus cúm đang lưu hành.

người đang bị cúm uống thuốc điều trị

2. Cảm lạnh

Cảm lạnh là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính phổ biến ở mọi lứa tuổi, lưu hành mạnh mẽ nhất khi thời tiết trở lạnh. Bất cứ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh cảm lạnh nhưng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Nghiên cứu cho thấy, trung bình một đứa trẻ sẽ mắc cảm lạnh khoảng 6 - 8 lần/ năm.

Nghiên cứu cho thấy có hơn 200 loại virus khác nhau gây bệnh cảm lạnh, nhưng Rhinovirus là tác nhân phổ biến nhất (gây ra hơn 40% trường hợp cảm lạnh ở trẻ em) và Enterovirus. Các tác nhân này xâm nhập và tấn công vào hệ hô hấp của con người thông qua các giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi, sổ mũi hay giao tiếp với các triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, sổ mũi, ho, hắt hơi, đau đầu, đau nhức cơ thể.

Tương tự như cúm, hầu hết các trường hợp mắc cảm lạnh đều ở mức độ nhẹ, sẽ khỏi hẳn sau 7 đến 10 ngày khi uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ và thay đổi lối sống khoa học.

Trong một số trường hợp, thời gian phục hồi có thể kéo dài đến 2 tuần, thời gian phục hồi bệnh sẽ tùy thuộc vào thể trạng sức khỏe cũng như sức đề kháng của mỗi người. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm và điều trị thời, người bệnh có thể gặp biến chứng nhiễm trùng tai giữa cấp tính, hen suyễn, viêm xoang cấp tính, viêm họng liên cầu khuẩn, viêm thanh khí phế quản, viêm tiểu phế quản,…

Cảm lạnh là một trong các bệnh hô hấp chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng ngừa. Chính vì vậy, để chủ động phòng tránh căn bệnh này, mỗi người cần xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước và kết hợp thể dục thể thao đều đặn để nâng cao sức đề kháng. Bên cạnh đó, nên thường xuyên vệ sinh nhà cửa, môi trường sống, tập thói quen đeo khẩu trang khi đi ra ngoài và rửa tay thường xuyên để góp phần ngăn chặn căn bệnh này ở cả trẻ em và người lớn.

3. Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng được giải thích là tình trạng mũi bị kích thích, không phải do virus, vi khuẩn mà đến từ các tác nhân bên ngoài như khói bụi, phấn hoa, mạt bụi, lông thú cưng, khói thuốc lá, ô nhiễm không khí hoặc khi thời tiết thay đổi, nắng mưa thất thường. Theo thống kê của Học viện Dị ứng, Hen suyễn & Miễn dịch học Hoa Kỳ, ước tính có khoảng 10-30% dân số trên thế giới mắc viêm mũi dị ứng. [2]

Viêm mũi dị ứng được chia thành bốn loại là viêm mũi dị ứng theo mùa, viêm mũi dị ứng quanh năm, viêm mũi dị ứng không thường xuyên và viêm mũi dị ứng do bệnh nghề nghiệp. Chuyên gia cho biết, viêm mũi dị ứng thực tế không quá nguy hiểm cũng như đe dọa tính mạng của người bệnh. Song, nếu không được điều trị đúng phương pháp, bệnh có thể tái phát thường xuyên và tiến triển nặng. Điều này không chỉ cản trở sinh hoạt, làm suy giảm chất lượng cuộc sống mà còn khiến người bệnh có nguy cơ gặp các biến chứng như viêm xoang cấp, mạn tính, polyp mũi xoang…

Hiện, viêm mũi dị ứng không thể chữa khỏi và cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các loại thuốc được sử dụng đều có mục đích giúp giảm nhẹ các triệu chứng sổ mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi, hắt xì liên tục, ngứa họng, ho, đau đầu, chức năng khứu giác bị suy giảm. Vì vậy, cần chủ động phòng bệnh bằng cách hạn chế tiếp xúc với các dị nguyên gây dị ứng, bảo vệ tai - mũi - họng và áp dụng các biện pháp tăng cường đề kháng để hạn chế tối đa nguy cơ bị viêm mũi dị ứng nặng hơn.

4. Viêm xoang

Viêm xoang (còn được gọi là nhiễm trùng xoang) là một trong số các bệnh về đường hô hấp rất phổ biến do nhiều tác nhân gây ra như virus, vi khuẩn, nấm, dị ứng hoặc do các nguyên nhân khác. Viêm xoang được giải thích là tình trạng viêm nhiễm vùng xoang mũi (tức các không gian rỗng trong xương mặt) làm cho mủ và dịch viêm ứ đọng không đào thải ra ngoài được, từ đó gây ra tình trạng tích tụ các chất dịch, chất nhầy bên trong khiến người bệnh đau đầu, đau mặt, sổ mũi, nghẹt mũi, suy giảm khứu giác, khó thở, ho, hắt hơi…

Viêm xoang có hai loại chính là viêm xoang cấp tính và viêm xoang mạn tính được xác định dựa vào thời gian và mức độ trầm trọng của bệnh. Viêm xoang kéo dài nếu không được điều trị đúng phương pháp có thể gây ra các biến chứng ở vùng đầu mặt như viêm xoang ở mắt, viêm xoang ở tai, viêm xoang ở mạch máu, viêm xoang thần kinh, viêm xoang ở mũi, biến chứng nội sọ có thể dẫn đến các di chứng nặng nề suốt đời, thậm chí là tử vong.

Các chuyên gia cho biết, viêm xoang nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng phương pháp thì có thể khỏi hoàn toàn hoặc có nguy cơ tái phát. Chẳng hạn một số phương pháp như phẫu thuật cắt bỏ polyp, sau phẫu thuật polyp nhiều trường hợp vẫn có thể phát triển bệnh trở lại nếu không được chăm sóc cẩn thận.

người bị viêm xoang

5. Viêm họng

Viêm họng là bệnh lý phổ biến ở cả trẻ em và người lớn khiến vùng niêm mạc hầu họng sưng, đau rát, cảm giác vướng trong cổ, gây ho, sốt vì nhiễm trùng do nhiều tác nhân gây ra như virus, vi khuẩn, dị ứng với các tác nhân gây dị ứng, không khí, người mắc bệnh trào ngược dạ dày…

Viêm họng đặc trưng bởi các triệu chứng như sốt cao, ớn lạnh, nhức đầu, biếng ăn, đau mỏi toàn thân, nổi hạch góc hàm, đau khi nuốt hoặc giao tiếp, ho từng cơn, chảy nước mũi, nghẹt mũi, khàn tiếng (đối với viêm họng cấp tính) và các triệu chứng sẽ trầm trọng hơn như đau họng, khó nuốt kéo dài, ngứa cổ, khô cổ, nóng rát, nuốt vướng, ho đờm, ho khan, thay đổi giọng nói (đối với viêm họng mạn tính).

Tuy ít gây biến chứng nguy hiểm nhưng nếu không điều trị đúng cách, viêm họng có thể thường xuyên tái phát và gây nhiều biến chứng nặng như viêm cầu thận, viêm tai giữa, viêm mũi xoang, viêm màng não, viêm phế quản phổi, hội chứng shock nhiễm trùng, áp xe quanh Amidan…

Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh viêm họng hạn chế tiếp xúc với những người mắc bệnh hoặc có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, tập thói quen vệ sinh răng miệng và cổ họng mỗi ngày, vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước và tập luyện thể thao mỗi ngày để nâng cao sức đề kháng, ngăn chặn các tác nhân gây bệnh tấn công cơ thể.

6. Viêm thanh quản

Viêm thanh quản được giải thích là tình trạng phù nề, loét niêm mạc, sung huyết thanh quản do viêm hoặc nhiễm trùng, bệnh trào ngược dạ dày, sặc hóa chất, uống rượu bia, hút thuốc nhiều hoặc do các hoạt động quá mức của thanh quản gây ra (như nói nhiều, la hét to, gào thét). Viêm thanh quản cũng có có thể liên quan đến một số bệnh về đường hô hấp khác như cảm cúm, viêm họng, viêm mũi xoang, nhiễm trùng đường hô hấp và tồn tại dưới hai dạng là cấp tính và mạn tính.

Người mắc bệnh viêm thanh quản thường có các biểu hiện như cổ họng bị đau, ngứa, rát, khô cổ, ho từng cơn, vướng cổ, giọng khàn và yếu, thường xuyên phải hắng giọng để cảm thấy dễ chịu hơn. Nếu người bệnh xuất hiện các biểu hiện nuốt đau và khó, sốt, khó thở, thở kèm tiếng khò khè hoặc tiếng rít, giọng nói cảm như bóp nghẹt,… thì cần nhanh chóng đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Để phòng bệnh viêm thanh quản, mỗi người cần xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh, không nên nói to và nói nhiều, tập thói quen vệ sinh răng miệng và cổ họng mỗi ngày, dọn dẹp sạch sẽ môi trường sống, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, hạn chế rượu bia, đồ uống có cồn, các chất kích thích như thuốc lá và tập luyện thể thao mỗi ngày để nâng cao sức đề kháng, ngăn chặn các tác nhân gây bệnh tấn công cơ thể.

7. Viêm phổi

Viêm phổi là tình trạng virus, vi khuẩn hoặc một tác nhân truyền nhiễm khác gây nên tình trạng viêm nhiễm tại phổi (thường được hiểu là tại phế nang) khiến phế nang chứa nhiều mủ và chất nhầy. Khi phế nang chứa đầy chất mủ và chất nhầy, quá trình trao đổi khí của hệ hô hấp bị giảm sút và gây nên bệnh viêm phổi.

Theo tổ chức Y tế thế giới, viêm phổi là nguyên nhân khiến 740.180 trẻ dưới 5 tuổi (thống kê vào năm 2019) tử vong, chiếm 22% tổng số trường hợp tử vong của trẻ từ 1 đến 5 tuổi. Trong đó, số ca tử vong cao nhất tập trung ở Nam Á và châu Phi.

Bệnh viêm phổi có thể khởi phát đột ngột hoặc diễn biến từ từ với các biểu hiện đặc trưng như sốt, ớn lạnh, ho có đờm, khó thở, đau ngực khi thở, buồn nôn, tiêu chảy… Tình trạng bệnh nặng hay nhẹ phụ thuộc vào tác nhân gây bệnh, độ tuổi và thể trạng của người bệnh. Những đối tượng có nguy cơ cao dễ nhiễm bệnh là trẻ em, người lớn tuổi, người suy giảm hệ miễn dịch hoặc có bệnh lý nền mạn tính.

Chuyên gia cho biết viêm phổi nguy hiểm khi các biến chứng không chỉ xảy ra ở phổi mà còn xảy ra ở hầu hết các bộ phận trong cơ thể, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tử vong rất nhanh như áp xe phổi, suy hô hấp và suy hô hấp cấp do tràn dịch màng phổi, nhiễm trùng huyết, suy tim, suy thận, nhiễm trùng đường tiết niệu, thậm chí là tử vong.

Do đó, ngay khi phát hiện các biểu hiện của bệnh cần phải được điều trị sớm và đúng phương pháp để không làm bệnh diễn tiến nặng thêm. Để mau chóng phục hồi sức khỏe, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, nghỉ ngơi hợp lý, thể thao điều độ nâng cao đề kháng, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước để giúp chất dịch và đờm trong họng được loãng, điều này sẽ giúp người bệnh dễ khạc đờm và dễ thở hơn.

Đặc biệt, mỗi người cần chủ động tiêm phòng các loại vắc xin bảo vệ hệ hô hấp (vắc xin phòng cúm, vắc xin phòng viêm phổi do phế cầu khuẩn), nhất là các đối tượng có nguy cơ cao dễ mắc bệnh để giảm mức độ tổn thương do viêm phổi gây ra đối với sức khỏe, ngăn các biến chứng nguy hiểm và bảo vệ lá phổi luôn khỏe mạnh.

8. Viêm phế quản

Viêm phế quản là một trong số các bệnh về đường hô hấp rất phổ biến, tần suất mắc bệnh tăng lên vào mùa lạnh. Đây là một dạng viêm phổi mà tình trạng các thành phế quản bị sưng và viêm khiến chất nhầy tiết ra nhiều hơn, từ đó làm hẹp đường thở và khó thở hơn, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thùy phổi, suy yếu chức năng phổi, hình thành chủ yếu do sự xâm nhập của các loại virus, nấm và hóa chất, các loại vi khuẩn như Proteus, Klebsiella pneumoniae, Escherichia coli, Pseudomonas, Haemophilus, Staphylococcus aureus…

Thống kê chỉ ra rằng viêm phế quản ở trẻ em dưới 2 tuổi chiếm đến hơn 85% trong tổng số các bệnh lý về hệ hô hấp. Tỷ lệ mắc viêm phế quản cũng rất cao ở người lớn tuổi, đặc biệt là người lớn trên 65 tuổi.

Một người xuất hiện các triệu chứng như sốt, khó thở, thở gấp, đau đầu, chóng mặt, đau tức ngực (đau nhiều hơn khi hít thở sâu), ớn lạnh, rùng mình, đổ mồ hôi, mệt mỏi, ho nhiều và kéo dài, ho ra máu và dịch nhầy, mất phương hướng hoặc lú lẫn ở người lớn tuổi… thì cần nhanh chóng nhập viện để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị, tình trạng viêm phế quản có thể diễn tiến nhanh, chuyển nặng và hình thành nên áp xe phổi, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, suy thận, suy tim, nhịp tim không đều… Ngoài ra, nhiễm trùng phổi còn có thể hình thành dịch bên trong màng phổi, gây phù nề rất nguy hiểm.

Theo các chuyên gia để chủ động phòng ngừa viêm phế quản cấp tính và viêm phế quản mạn tính thì cần điều trị triệt để các ổ viêm nhiễm mạn tính đang xuất hiện tại vùng mũi họng, điều trị sớm và triệt để các viêm nhiễm cấp tính đường hô hấp, bỏ thuốc lá, thường xuyên vệ sinh không gian sống để đảm bảo không khí trong nhà luôn sạch sẽ, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, tập luyện thể thao và quan trọng nhất là tiêm đầy đủ và đúng lịch vắc xin phòng cúm mùa và vắc xin phòng viêm phổi do phế cầu khuẩn.

người bị viêm phế quản

9. Viêm tiểu phế quản

Viêm tiểu phế quản là bệnh lý viêm nhiễm cấp tính các tiểu phế quản (còn gọi là các cuống phổi nhỏ) do các virus hô hấp gây ra, trong đó virus hợp bào hô hấp (RSV) là phổ biến nhất chiếm 50 đến 80%, ngoài ra một số loại virus khác cũng có khả năng gây viêm tiểu phế quản như Rhino virus, Parainfluenzae virus… Bệnh chỉ xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi, thường gặp nhất là 3 - 6 tháng tuổi. Đặc biệt, những trẻ có cơ địa đặc biệt như trẻ sinh non, thiếu tháng, trẻ có bệnh tim phổi bẩm sinh hoặc hệ miễn dịch kém… là đối tượng rất dễ mắc bệnh.

Tiểu phế quản của trẻ được cấu tạo là các ống nhỏ và mềm (không có sụn nâng đỡ) khi bị tác nhân xâm nhập và tấn công gây viêm nhiễm sẽ xẹp lại làm tắc đường thở khiến trẻ luôn thở khò khè, thở nặng nhọc, thiếu oxy để thở. Nghiêm trọng hơn, trẻ có thể bó bú, toàn thân tím tái.

Trẻ mắc viêm tiểu phế quản có thể phục hồi sau khoảng 5-7 ngày nếu bố mẹ chăm sóc và điều trị đúng cách. Ngược lại, trong trường hợp nặng, bác sĩ sẽ can thiệp bằng cách đặt nội khí quản nhằm cải thiện tình trạng thở khò khè, khó thở của trẻ cho đến khi các tiểu phế quản được phục hồi và trẻ có thể thở bình thường trở lại.

10. Hen suyễn

Hen suyễn là một trong số các bệnh về đường hô hấp mạn tính rất phổ biến, chúng khiến người bệnh khó thở, thở khò khè, ho khan, tức ngực do đường thở bị viêm nhiễm hoặc tắc nghẽn bởi chất dịch và đờm đặc.

Thống kê cho thấy bệnh hen suyễn ảnh hưởng đến 25 triệu người ở Mỹ. Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh hen suyễn, dị ứng về da và hô hấp hoặc bệnh hô hấp nặng, tái phát nhiều lần ở trẻ em, người thừa cân, béo phì đều có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cao.

Hen suyễn nếu không được điều trị đúng phương pháp có thể khiến người bệnh đối mặt với các biến chứng nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến tính mạng như biến dạng lồng ngực, suy hô hấp mạn tính, khí phế thũng, tâm phế mạn tính, xẹp phổi, tràn khí màng phổi, thậm chí có một số trường hợp gặp biến chứng trong quá trình điều trị như dùng quá nhiều corticoid có thể gặp hội chứng giả cushing.

Để bệnh không tiến triển và gây ra các biến chứng nặng, người bệnh cần tránh các loại thuốc có thể khiến bệnh hen nặng lên, bỏ thuốc lá, thường xuyên vệ sinh không gian sống để đảm bảo không khí trong nhà luôn sạch sẽ, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, tập luyện thể thao và quan trọng nhất là tiêm đầy đủ vắc xin phòng cúm mùa và viêm phổi do phế cầu sẽ giúp làm giảm các cơn hen cấp tính.

Ngoài ra, vắc xin Covid 19 cũng có vai trò quan trọng giúp hạn chế các nguyên nhân gây bộc phát cơn hen ở người bị hen suyễn, đồng thời giảm nguy cơ mắc, tiến triển nặng, tử vong nếu nhiễm Covid 19.

11. Bệnh xơ nang

Xơ nang là bệnh lý di truyền của các tuyến ngoại ảnh hưởng đến hô hấp và tiêu hóa và gây ra các biến chứng nặng nề như bệnh phổi mãn tính, suy tụy ngoại tiết, bệnh gan mật, và bất thường tăng điện giải tuyến mồ hôi.

Vì xơ nang có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể nên các biểu hiện cũng khác nhau, hầu hết là các biểu hiện ho có đờm đặc hoặc máu, thở khò khè, khó thở, ho hoài không khỏi, nhiễm trùng đường hô hấp hoặc xoang thường xuyên, polyp mũi, ăn nhiều nhưng tăng trưởng chậm, tăng cân kém, trào ngược dạ dày, táo bón, đổ mồ hôi nhiều khiến cơ thể mất nước , hạ natri máu, giảm clo máu, suy tuần hoàn…

Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp một số biến chứng tràn khí màng phổi, ho ra máu, Aspergillus phế quản phổi dị ứng, nhiễm vi khuẩn lao không điển hình, suy tim phải thứ phát do tăng áp lực mạch phổi.

Các chuyên gia để chủ động phòng ngừa bệnh xơ nang cần thường xuyên vệ sinh không gian sống để đảm bảo không khí trong nhà luôn sạch sẽ, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, bổ sung các vitamin D3, K, natri, enzyme cho tuyến tụy, tập luyện thể thao và quan trọng nhất là tiêm các loại vắc xin phòng ngừa bệnh hô hấp.

ảnh chụp x quang phổi

12. Nhiễm trùng hô hấp ở phổi

Nhiễm trùng hô hấp ở phổi là bệnh lý nghiêm trọng do virus, vi khuẩn và nấm xâm nhập và tấn công hệ hô hấp khiến nhu mô phổi bị tổn thương khiến người bệnh bị suy hô hấp do rối loạn trao đổi khí và gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe như viêm phổi viêm phế quản và viêm tiểu phế quản.

Nhiễm trùng phổi gây bệnh nặng hay nhẹ phụ thuộc vào tác nhân gây bệnh tuổi tác và thể trạng sức khỏe của người bệnh. Nếu không may bị nhiễm trùng hô hấp ở phổi, người bệnh có thể gặp một số biểu hiện phổ biến như sốt, mệt mỏi, ho nhiều đờm, đau ở ngực, đau cơ, sổ mũi, khó thở, thở khò khè, người nhợt nhạt, tím tái và có tiếng rít trong phổi.

Do đó, để phòng ngừa nhiễm trùng hô hấp ở phổi cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, giữ gìn vệ sinh cá nhân, tắm rửa và rửa tay thường xuyên, bỏ các thói quen có hại cho sức khỏe như thuốc lá, thuốc lá điện tử hay sử dụng nhiều rượu bia, thức uống có cồn, nước ngọt, thăm khám sức khỏe định kỳ tối thiểu 6 tháng một lần và phải tiêm đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin phòng ngừa bệnh hô hấp.

13. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)

Phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một bệnh lý viêm phổi mãn tính, nguyên nhân đến từ luồng khí bị tắc nghẽn từ phổi. Người mắc bệnh thường xuất hiện các biểu hiện khó thở kéo dài hoặc mạn tính, họ nhiều đờm, thở khò khè, âm thanh rít hoặc huýt sáo khi thở, tức ngực, nhạy cảm với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, giảm cân. Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư phổi và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 trong số các nguyên nhân gây tử vong và đứng thứ 5 về gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Việt Nam được xếp hạng là quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh khá cao ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tuy nhiên lại rất ít người có kiến thức về căn bệnh này.

Hiện, chưa có bất kỳ phương pháp nào có thể điều trị khỏi hoàn toàn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Tuy nhiên, nếu tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh có thể được kiểm soát tình trạng bệnh và giảm số đợt cấp cần nhập viện.

Để chủ động phòng ngừa bệnh COPD, cần hạn chế đến mức thấp nhất tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây bệnh như khí độc, hóa chất, khói độc hại, bụi bẩn, thường xuyên vệ sinh không gian sống để đảm bảo không khí trong nhà luôn sạch sẽ, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, tập luyện thể thao, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tái khám theo lịch hẹn. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần chủ động tiêm vắc xin cúm và vắc xin phế cầu để bảo vệ lá phổi khỏe mạnh.

14. Lao phổi

Bệnh lao phổi (còn gọi là ho lao) là một trong số các bệnh hô hấp do vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis gây ra. Những người khỏe mạnh, sức đề kháng tốt, lao phổi biểu hiện ở dạng bệnh không hoạt động, được gọi là bệnh lao tiềm ẩn.

Ở những người có sức đề kháng kém, vi khuẩn xâm nhập và tấn công mô phổi, thậm chí gây tổn thương cho các bộ phận trong cơ thể với các triệu chứng rất đặc trưng như ho khan, ho có đờm, khạc đờm thường màu trắng, ho có máu đi kèm với khó thở, khám phổi thấy ran ẩm, ran nổ vùng tổn thương.

Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh ho lao phổi dễ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng tới sức khỏe và đe dọa trực tiếp tính mạng của người bệnh như lao thanh quản, tràn dịch, tràn khí màng phổi, nấm Aspergillus phổi, rò thông phế quản và thành ngực.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê có khoảng 2 tỷ người trên thế giới mắc bệnh lao tiềm ẩn và gần 3 triệu người tử vong vì lao. Trong đó khoảng 95% trường hợp mắc mới và 99% trường hợp tử vong do lao đều tập trung ở các nước nghèo và các nước đang phát triển. Hiện nay, lao vẫn phổi vẫn là một trong những bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới, thậm chí cao hơn cả sốt rét và HIV/AIDS.

Do đó, ngay khi phát hiện các triệu chứng của bệnh, người bệnh cần phải được điều trị sớm và đúng phương pháp để không làm bệnh diễn tiến nặng thêm. Đồng thời, để mau chóng phục hồi sức khỏe, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, nghỉ ngơi hợp lý, môi trường sống cần có nhiều ánh sáng, thông thoáng để giảm thấp nhất nồng độ các hạt chứa vi khuẩn lao trong không khí. Nếu có tiếp xúc với người khác bắt buộc phải đeo khẩu trang, khạc đờm đúng nơi và đồ chứa của người mắc bệnh lao cần được đốt hoặc xử lý đúng quy định.

15. Ung thư phổi

Căn bệnh cuối cùng được nhắc đến trong số các bệnh về đường hô hấp thường gặp nhất là ung thư phổi. Theo thống kê, ung thư phổi đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới và là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong số các bệnh ung thư trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, ung thư phổi được chẩn đoán chiếm ưu thế ở nam giới và là chẩn đoán ung thư đứng thứ tư ở nữ giới. Đây cũng là cơ quan có tỷ lệ mắc ung thư cao chỉ đứng sau ung thư gan.

Ung thư phổi (còn gọi là Lung Cancer) là loại ung thư khởi phát từ phổi hay còn được gọi là khối u ác tính hình thành ở đường hô hấp. Theo thời gian, khối u ác tính này phát triển nhanh về kích cỡ gây xâm lấn, chèn ép các cơ quan xung quanh với các biểu hiện ho kéo dài, ho có đờm hoặc máu, mệt mỏi, suy nhược, chán ăn, sụt cân, hụt hơi, thở khò khè, khàn giọng, đau ngực trầm trọng hơn khi thở sâu, cười hoặc ho.

Theo các chuyên gia, hút thuốc lá (cả trực tiếp và thụ động) là một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất gây bệnh ung thư phổi. Ngoài ra, tiếp xúc với radon (khí phóng xạ tồn tại trong tự nhiên), hít phải các chất khí độc hại (silic, amiăng, thạch tín, cadimi, crom, niken, uranium…).

Hiện không có cách nào để ngăn ngừa bệnh ung thư phổi tuyệt đối, nhưng mỗi người có thể giảm nguy cơ mắc bệnh nếu tránh xa khói thuốc lá, tránh xa các chất khí độc hại tại nơi làm việc (trong trường hợp làm việc trong môi trường có hóa chất độc hại, người lao động bắt buộc phải mặc đồ bảo hộ an toàn)

Cải thiện môi trường sống bằng việc thường xuyên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng (giàu chất xơ, vitamin, khoáng chất thiết yếu), uống đủ nước, tập luyện thể thao tăng cường sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ tối thiểu 6 tháng một lần để phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường trong cơ thể.

khám bệnh phổi

Các bệnh thường gặp ở đường hô hấp đặc biệt nguy hiểm với ai?

Tổ chức Y tế thế giới cho biết, các bệnh về đường hô hấp rất phổ biến và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi đối tượng. Tuy nhiên, nếu bạn thuộc một trong số các đối tượng dễ mắc bệnh và gặp biến chứng nguy hiểm dưới đây, cần hết sức lưu ý phòng bệnh để giảm thiểu các ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lên sức khỏe:

⇒ Bạn có thể xem thêm: Các bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ em cha mẹ cần lưu tâm.

Cách phòng ngừa các bệnh đường hô hấp thường gặp

Các bệnh về hô hấp nếu không phát hiện sớm và điều trị đúng cách có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí là đe dọa tính mạng của con người. Bên cạnh đó, nếu không có biện pháp phòng ngừa chủ động, việc mắc bệnh và tái phát nhiều lần sẽ khiến chức năng phổi ngày càng xấu đi và ảnh hưởng đến quá trình phục hồi sức khỏe hoàn toàn. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa các bệnh về đường hô hấp thường gặp được các chuyên gia y tế khuyến cáo thực hiện:

Vắc xin là một trong những phát minh vĩ đại của nhân loại, là phương pháp phòng ngừa bệnh tật hiệu quả nhất, trong đó có các bệnh về đường hô hấp thường gặp. Bằng việc tiêm vắc xin phòng bệnh hô hấp đầy đủ, đúng lịch và duy trì tiêm nhắc hàng năm, cả trẻ em và người lớn sẽ được bảo vệ toàn diện với đầy đủ kháng thể đặc hiệu, hệ thống miễn dịch được tăng cường vững chắc để ngăn chặn các bệnh hô hấp nguy hiểm, các biến chứng nguy hiểm.

Đồng thời, việc mỗi người chủ động tiêm vắc xin sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho người khác, giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong, tạo miễn dịch cộng đồng vững chắc.

bé đã được tiêm ngừa

Một trong những nguyên nhân khiến trẻ em và người lớn dễ mắc các bệnh về hô hấp là môi trường sống luôn ẩm thấp, kém vệ sinh, không thông thoáng, đủ ánh sáng. Bởi đây là chính là môi trường lý tưởng để các tác nhân virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, vi sinh vật ẩn náu, phát triển, sinh sôi và lây lan nhanh chóng.

Chính vì vậy, việc vệ sinh môi trường sống, nhà cửa luôn sạch sẽ là rất cần thiết, đặc biệt lau chùi các bề mặt thường xuyên cầm nắm, tiếp xúc như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, ban công, mặt bàn ghế, điều khiển tivi, điều hòa, đồ chơi cho trẻ… Bên cạnh đó, việc vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tắm gội mỗi ngày cũng rất quan trọng để loại bỏ các mầm bệnh trú ngụ trên da, đồng thời giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể chống chọi các tác nhân gây bệnh.

Tăng cường sức đề kháng bằng cách cung cấp chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý (nhiều chất xơ, rau, củ, quả giàu vitamin, khoáng chất thiết yếu), bổ sung đủ nước mỗi ngày. Hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, các món ăn có hàm lượng muối cao như thịt xông khói, các loại cá muối hoặc quá ngọt…

Duy trì việc luyện tập thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội, đá banh, tập gym, yoga, dưỡng sinh, ngồi thiền,… để tăng cường thể lực, nâng cao sức khỏe chống lại tác nhân gây các bệnh về đường hô hấp hiệu quả.

người phụ nữ tập thể dục

Việc giữ ấm cơ thể, đặc biệt là đường thở khi trời trở lạnh là rất cần thiết để ngăn ngừa các bệnh về hô hấp cũng như giúp bảo vệ lá phổi luôn khỏe mạnh. Nếu phải ra ngoài, cả trẻ em và người lớn cần mặc quần áo dài tay và dày dặn, đeo khăn quàng cổ, bao tay, khẩu trang, nón bịt cả hai tai trước khi ra đường để cơ thể luôn đủ ấm.

Nếu phải đến nơi đông người, nơi công cộng thì cần hạn chế tiếp xúc và giữ khoảng cách với những người xung quanh (đặc biệt là những người đang mắc bệnh về hô hấp hoặc nghi ngờ mắc bệnh), đeo khẩu trang kín. Đồng thời, rửa tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn trong suốt thời gian ở bên ngoài, trước và sau khi ăn/ uống, đi vệ sinh, cầm nắm các đồ vật hoặc có chạm tay với người khác.

Hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh hô hấp như khói bụi, khói thuốc, không khí độc hại. Nếu đặc thù công việc phải làm trong môi trường có nhiều hóa chất, khói bụi độc hại, người lao động cần phải được mặc đồ bảo hộ và khám sức khỏe định kỳ mỗi năm để phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh ở giai đoạn sớm.

Khói thuốc lá rất độc hại. Nghiên cứu cho thấy khói thuốc lá chứa tới hơn 7000 chất, phần lớn là chất độc hại trong đó có khoảng 69 chất là tác nhân gây ung thư, ngoài ra còn có các hoạt chất gây nghiện, gây độc tế bào, gây đột biến gen,… Do đó, hút thuốc là dù dưới hình thức nào (trực tiếp và thụ động) đều gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp nói riêng av2 sức khỏe nói chung, Hãy bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và những người xung quanh.

từ chối hút thuốc lá

Một số câu hỏi thường gặp

Các chuyên gia cho biết khi giao mùa hay chuyển lạnh rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp bởi nhiều yếu tố liên quan đến môi trường bên ngoài và bên trong cơ thể. Cụ thể là tác động của thời tiết lạnh có thể khiến hệ miễn dịch hoạt động kém hơn bình thường, đặc biệt là ở trẻ nhỏ và người lớn tuổi. Thêm vào đó, trong điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, giao mùa, các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn gây bệnh cũng phát triển, lây lan nhanh chóng và dễ dàng tấn công đường hô hấp.

KHÔNG NÊN! Các chuyên gia y tế khuyến cáo không nên tự ý mua thuốc uống hay sử dụng lại đơn thuốc cũ khi mắc các bệnh hô hấp thông thường mà cần có chỉ định của bác sĩ hoặc dược sĩ có chuyên môn. Bởi các bệnh về đường hô hấp có đặc điểm chung là mỗi lần mắc bệnh là một hình thái và triệu chứng khác nhau, diễn biến bệnh khác nhau. Người bệnh có thể mắc bệnh giống lần trước hoặc cũng có thể khác lần trước.

Việc tự ý mua thuốc có thể gây ra nhiều bất lợi cho sức khỏe, trong đó tình trạng kháng kháng sinh rất phổ biến và gây khó khăn cho quá trình điều trị bệnh. Do đó, ngay khi có các triệu chứng của các bệnh về hô hấp, hãy chủ động đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chỉ định dùng thuốc phù hợp, tránh gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe.

Tóm lại, các bệnh về đường hô hấp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi đối tượng, đặc biệt là trẻ em, người lớn trên 65 tuổi, người có hệ miễn dịch kém, mắc bệnh nền mạn tính và phụ nữ mang thai.

Bệnh thường xuất hiện nhiều vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường. Chính vì vậy, chủ động phòng bệnh bằng cách thay đổi lối sống khoa học, kết hợp tiêm các loại vắc xin phòng bệnh hô hấp đầy đủ, đúng lịch chính là “tuyến phòng thủ” vững chắc và kiên cố nhất để ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm và các biến chứng nguy hiểm của chúng đối với sức khỏe con người.

Link nội dung: https://chodichvu.vn/15-banh-va-aaeang-ha-haoyenp-thaeang-gaop-nhaon-biaot-va-pha2ng-tranh-a35119.html