Quy định về kích thước ảnh sơ yếu lý lịch 2024

1. Quy định về kích thước ảnh sơ yếu lý lịch 2024

Theo quy định tại Thông tư 06/2023/TT-BNV hướng dẫn về việc lập hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức, thì kích thước ảnh chân dung dán trong sơ yếu lý lịch là 4 cm x 6 cm. Ảnh phải được chụp rõ mặt, đầu tóc gọn gàng, trang phục lịch sự, phông nền màu xanh hoặc trắng.

Tuy nhiên, quy định về kích thước ảnh sơ yếu lý lịch theo quy định trên áp dụng cho hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức. Đối với ảnh sơ yếu lý lịch trong khối doanh nghiệp ngoài nhà nước thì không có quy định bắt buộc về kích thước ảnh trên sơ yếu lý lịch.

Ảnh chân dung thường được dán lên bìa và sơ yếu lý lịch. Qua hình ảnh, nhà tuyển dụng có thể có cái nhìn tổng quan và ấn tượng hơn về bạn. Trong quá trình nộp hồ sơ xin việc, thường nhà tuyển dụng yêu cầu ảnh kích thước 3 cm ×4 cm hoặc 4 cm × 6 cm để sử dụng trong hồ sơ, thẻ nhân viên hoặc các tài liệu khác.

Mẫu sơ yếu lý lịch để người lao động xin việc năm 2024 và hướng dẫn sử dụng mẫu này

Quy định về kích thước ảnh sơ yếu lý lịch 2024 (Ảnh minh họa - Nguồn từ internet)

2. Lưu ý khi viết sơ yếu lý lịch để xin việc

Để ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng, người lao động cần đảm bảo bản sơ yếu lý lịch được trình bày chỉn chu, đẹp mắt, dễ hiểu, dễ nhìn. Vì thế, người lao động cần ghi nhớ những điều sau:

- Điền đầy đủ và chính xác những thông tin quan trọng, làm nổi bật được những điểm mạnh của bản thân. Nhưng lưu ý, nên điền một cách ngắn gọn, xúc tích và hợp lý.

- Hình thức trình bày: nhất quán trong kiểu chữ, phông chữ (đối với đánh máy), màu mực, không nên tẩy xóa (đối với viết tay) trong sơ yếu lý lịch.

- Ảnh chân dung dán trong sơ yếu phải rõ mặt, ảnh chụp nghiêm túc và đúng cỡ ảnh thẻ 3x4 hoặc 4x6.

3. Việc chứng thực bản khai sơ yếu lý lịch để xin việc năm 2024

Căn cứ Điều 15 Thông tư 01/2020/TT-BTP, các quy định về chứng thực chữ ký tại Mục 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP được áp dụng để chứng thực chữ ký trên tờ khai lý lịch cá nhân; cụ thể:

- Người thực hiện chứng thực không ghi bất kỳ nhận xét gì vào tờ khai lý lịch cá nhân, chỉ ghi lời chứng chứng thực theo mẫu.

- Đối với những mục không có nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân thì phải gạch chéo trước khi yêu cầu chứng thực.

- Người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân của mình.

Với quy định nêu trên thì người thực hiện chứng thực chỉ chứng nhận chữ ký trên Sơ yếu lý lịch là của người yêu cầu chứng thực, còn không chịu trách nhiệm về nội dung trên Sơ yếu lý lịch.

Như vậy, người có yêu cầu chứng thực có thể lựa chọn những nơi sau để yêu cầu chứng thực chữ ký trên Sơ yếu lý lịch theo quy định về thẩm quyền chứng thực chữ ký tại Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP:

(i) Bất kỳ Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Phòng tư pháp cấp huyện nào (không bắt buộc phải là nơi có hộ khẩu thường trú).

(ii) Bất kỳ Phòng công chứng/Văn phòng công chứng nào.

(iii) Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (đối với người đang ở nước ngoài).

Điều 25. Trường hợp không được chứng thực chữ ký - Nghị định 23/2015/NĐ-CP

1. Tại thời điểm chứng thực, người yêu cầu chứng thực chữ ký không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.

2. Người yêu cầu chứng thực chữ ký xuất trình Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu không còn giá trị sử dụng hoặc giả mạo.

3. Giấy tờ, văn bản mà người yêu cầu chứng thực ký vào có nội dung quy định tại Khoản 4 Điều 22 của Nghị định này.

4. Giấy tờ, văn bản có nội dung là hợp đồng, giao dịch, trừ các trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều 24 của Nghị định này hoặc trường hợp pháp luật có quy định khác.

Link nội dung: https://chodichvu.vn/quy-aanh-va-kach-thaeac-aopsnh-sae-yaou-la-lach-2024-thae-vian-phap-luaot-a35371.html