Bảo tàng là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử tự nhiên và xã hội nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Thời gian gần đây, có những dự kiến sẽ thay đổi chức năng của Nhà trưng bày thành tựu của tỉnh, di dời hàng chục ngàn hiện vật đi nơi khác. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh ủy vừa chỉ đạo Sở tạm dừng việc di dời này.
Nhà Bảo tàng và dấu tích lịch sử<?xml:namespace prefix="o" ns="urn:schemas-microsoft-com:office:office"?>
Với diện tích 474m2, ngôi nhà một trệt và một lầu được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp với mái ngói, tường gạch và nhiều cửa sổ hình vòm, trên chạm hoa văn hình thú, hoa trái. Nhà tọa lạc trong khuôn viên rộng hơn 13.000m2 và bốn hướng đều có cổng ra vào với ba mặt giáp 3 đường lớn của TP. Bến Tre: Hùng Vương, Cách Mạng Tháng Tám, Lê Đại Hành và mặt chính hướng ra phía sông Bến Tre, được xem là vị trí đẹp, thuận tiện và hữu tình bậc nhất Bến Tre. Cũng chính vì vậy mà khi xâm chiếm Bến Tre, vào đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã cho xây dựng ngôi nhà này để làm Dinh Tham biện. Sau Hiệp định Genève (20-7-1954), Mỹ ngụy cũng chọn nhà này làm Dinh Tỉnh trưởng. Khi đất nước được thống nhất, ngôi nhà được Tỉnh ủy Bến Tre tiếp quản và năm 1976 giao lại cho Ty Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để làm phòng Bảo tồn Bảo tàng và sau đó chính thức là Bảo tàng Bến Tre, từ ngày 26-10-1981.
Nếu nhìn ở góc độ ngôi nhà này là bằng chứng ghi dấu sự xâm lược của thực dân Pháp trên đất Bến Tre hay nơi tập trung quyền lực cao nhất của Mỹ ngụy trên đất Kiến Hòa xưa thì chưa đủ. Bởi nơi đây từng diễn ra những sự kiện lịch sử quan trọng liên quan đến hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của quân dân Bến Tre. Dù là trụ sở cơ quan đầu não của giặc nhưng ngôi nhà này từng là cơ sở nội tuyến bí mật in ấn tài liệu vào năm 1938, theo sự chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phạm Thái Bường, là nơi diễn ra lễ ký quyết định thành lập Công binh giới của lãnh đạo Tỉnh ủy Bến Tre vào tháng 10-1945. Đặc biệt, đây chính là cơ sở hoạt động bí mật của chiến sĩ tình báo Phạm Ngọc Thảo với cương vị Đại tá - Tỉnh trưởng Kiến Hòa giai đoạn 1960-1962 (nhân vật Nguyễn Thành Luân trong phim Ván bài lật ngửa được khắc họa từ hình tượng của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Đại tá Phạm Ngọc Thảo).
Ông Nguyễn Văn Tài - Trưởng Ban Quản lý di tích tỉnh cho biết, căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29-6-2001 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18-6-2009, Nghị định 98/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, Ban Quản lý Di tích thì nhà Bảo tàng Bến Tre đủ điều kiện để lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia. Ban Quản lý di tích cũng đã có tờ trình gửi UBND tỉnh xin chủ trương lập hồ sơ xếp hạng cấp quốc gia di tích này.
Những hiện vật vô giá
Ngôi nhà với kiến trúc cổ này hiện được sử dụng để trưng bày những hình ảnh và hiện vật truyền thống cách mạng của nhân dân Bến Tre trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Toàn bộ các phòng và hành lang đều được sử dụng để trưng bày hơn 3 ngàn hiện vật, hình ảnh, tư liệu như: giới thiệu khái quát lịch sử của Bến Tre từ những năm đầu thế kỷ XX đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trưng bày Di chỉ khảo cổ học Giồng Nổi (ấp Bình Thành - xã Bình Phú - TP. Bến Tre).
Bên cạnh đó, năm 2002, Bảo tàng Bến Tre xây dựng thêm một cơ sơ mới theo Quyết định số 2234/2002 của UBND tỉnh tại địa điểm cách ngôi nhà cũ khoảng 20m (nằm phía sau Nhà khách Hùng Vương). Với qui mô 1 trệt và 2 tầng lầu, ngôi nhà trưng bày thành tựu kinh tế, văn hóa - xã hội và an ninh - quốc phòng của tỉnh. Bà Phạm Thị Lan - Phó Giám đốc Bảo tàng Bến Tre cho biết, đây là niềm tự hào của Bến Tre vì hiện rất ít tỉnh làm được nhà trưng bày quy mô và bài bản như thế này. Nơi đây hiện lưu giữ hơn 14 ngàn hiện vật, mà theo bà Lan, có những cổ vật tính giá chục triệu, trăm triệu đồng nhưng cũng có những hiện vật vô giá bởi tính lịch sử của nó. Nhiều bộ sưu tập được Bảo tàng lưu giữ hơn 30 năm qua như sưu tập hiện vật về lòng dân xứ Dừa đối với Bác Hồ, về các nhân vật lịch sử của tỉnh. Sưu tập hiện vật dân gian với nhiều chủng loại, chất liệu, xuất xứ như sưu tập gốm Việt Nam, gốm Trung Quốc, gốm Thái Lan; sưu tập đèn gốm, bình vôi, gỗ cẩn Việt Nam, hiện vật đồng, dụng cụ nông nghiệp, hiện vật ngành nghề thủ công nghiệp; sưu tập các loại tiền (thời phong kiến, thời Pháp thuộc, thời thực dân mới Mỹ, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam)...
Triển lãm tại Bảo tàng, triển lãm lưu động theo chủ đề, theo ngày kỷ niệm lịch sử là cách mà Bảo tàng Bến Tre giới thiệu hiện vật lịch sử đến quần chúng nhân dân. Mặt khác, in thành sách cũng là hình thức tiếp cận mới được Bảo tàng sử dụng để các hiện vật đến tận gia đình, trường học. Ấn phẩm “Những bức thư thời mưa bom, lửa đạn” giới thiệu những bức thư đậm tình vẹn nghĩa của những chiến sĩ cách mạng với quê hương, với đồng đội, gia đình và người mình yêu thương vừa được Bảo tàng Bến Tre phát hành đã đón nhận sự quan tâm đặc biệt của độc giả.
Bảo tàng là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử tự nhiên và xã hội nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Thời gian gần đây, có những dự kiến sẽ thay đổi chức năng của Nhà trưng bày thành tựu của tỉnh, di dời hàng chục ngàn hiện vật đi nơi khác. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh ủy vừa chỉ đạo Sở tạm dừng việc di dời này.
Link nội dung: https://chodichvu.vn/baopso-ta-ng-baon-tre-di-tach-va-hian-vaot-lach-sa-bao-aang-khai-online-a36360.html