Indonesia trong tài liệu tiếng Việt quốc gia này từng được gọi là nước Nam Dương, là một quốc gia nằm giữa Đông Nam Á và Châu Đại Dương. Indonesia được mệnh danh là “Xứ sở vạn đảo”, lãnh thổ của nó bao gồm 13.487 hòn đảo và với dân số khoảng 255 triệu người (năm 2015), đứng thứ tư thế giới về dân số.
- KHÁM PHÁ KIẾN TRÚC THẾ GIỚI -
Tuy gồm rất nhiều hòn đảo, Indonesia vẫn gồm các nhóm sắc tộc, ngôn ngữ và tôn giáo riêng biệt. Người Java là nhóm sắc tộc đông đúc và có vị thế chính trị lớn nhất. Với tư cách là một nhà nước duy nhất và một quốc gia, Indonesia đã phát triển một tính đồng nhất được định nghĩa bởi một ngôn ngữ quốc gia, sự đa dạng chủng tộc, sự đa dạng tôn giáo bên trong một dân số đa số Hồi giáo, và một lịch sử thực dân cùng những cuộc nổi dậy chống lại nó.
Indonesia có khoảng 300 nhóm sắc tộc, mỗi nhóm có văn hóa khác biệt và đã phát triển qua nhiều thế kỷ, với ảnh hưởng từ Ấn Độ, Ả Rập, Trung Quốc, Malaysia và châu Âu. Ví dụ, các điệu múa truyền thống Java và Bali chứa đựng các yếu tố văn hóa và thần thoại trong văn hóa Hindu, wayang kulit (rối bóng) cũng tương tự. Những loại vải dệt như batik, ikat và songket được sản xuất trên khắp đất nước Indonesia nhưng theo kiểu cách khác biệt tùy theo vùng. Ảnh hưởng lớn nhất trên kiến trúc Indonesia đến từ kiến trúc Ấn Độ; tuy nhiên, những ảnh hưởng kiến trúc từ Trung Quốc, Ả Rập và châu Âu cũng khá quan trọng.
Indonesia là một quốc đảo lớn nhất Đông Nam Á có vị trí nằm ở giữa hai lục địa Đông Nam Á và Châu Đại Dương. Nổi tiếng với những cánh rừng xanh ngút ngàn, vùng đảo thiên đường Bali tuyệt đẹp hay những ngôi đền linh thiêng có kiến trúc độc đáo. Du lịch Indonesia ngày càng trở nên phát triển và hấp dẫn du khách trên khắp thế giới.
Cung điện Maimun là 1 trong 5 công trình có giá trị lịch sử nổi tiếng ở Indonesia được xây dựng vào thời kì Vương quốc Hồi giáo Deli. Đây là một trong những điểm đến được khách du lịch ghé thăm nhiều nhất khi có dịp ghé thăm đất nước Indonesia xinh đẹp.
Nơi đây không chỉ hấp dẫn di khách bởi giá trị lịch sử mà còn bởi thiết kế nội thất độc đáo ở bên trong - sự pha trộn giữa nhiều phong cách của Malaysia, Tây Ban Nha, Ấn Độ và Italia.
Taman Sari hay còn được biết đến nhiều với tên gọi lâu đài nước Taman Sari; là một kiểu cung điện hoàng gia Hồi giáo được xây dựng ở Yogyakarta. Tòa lâu đài này không chỉ mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử quan trọng của Indonesia mà còn là nơi thu hút du lịch, khơi gợi sự thích thú nhất với rất nhiều du khách.
Nơi đây bao gồm rất nhiều chức năng như khu nghỉ dưỡng, khu thiền định, khu phòng thủ và khu vực ẩn náu. Khi đến đây tham quan, du khách sẽ thấy một hồ nước nhân tạo rất lớn nằm ngay trung tâm với một số toà nhà xây trên đó. Ngoài ra thì lâu đài còn có 3 khu phức hợp dành riêng cho phi tần và hoàng thượng tắm rửa, nghỉ ngơi.
Được xây dựng từ năm 1758-1765, Taman Sari là một phần của cuộc sống hoàng gia khi xưa. Taman Sari có nhiều chức năng, chẳng hạn như một khu vực nghỉ ngơi, hội thảo, một khu vực thiền định, một khu vực phòng thủ, và một nơi ẩn náu.
Cái tên Taman Sari bắt nguồn từ tiếng Javar có nghĩa là “khu vườn thơm ngát”. Đây vốn là một địa điểm bí mật được thiết kế tỉ mỉ, phức tạp và tinh vi, dùng làm nơi hoan lạc cho các vị vua Hồi giáo trong quá khứ cùng với các tùy tùng của mình. Bước xuống cầu thang là hai hồ bơi theo lối thiết kế kiến trúc Bồ Đào Nha với màu nước xanh biếc có đài phun nóc ở mỗi góc.
Tongkonan là ngôi nhà truyền thống của người Torajan ở phía Nam Sulawesi, được làm bằng các vật liệu thân thiện với môi trường như gỗ, tre, nứa…Vì việc xây dựng loại nhà này khá mất thời gian nên thường là tất cả thành viên đều góp sức vào để làm nhanh hơn. Nếu có dịp đi du lịch Indonesia thì du khách nên đến tham quan nhà Tongkonan để nhìn thấy được lối kiến trúc tại Indonesia độc đáo của người dân địa phương cũng như vài nét văn hoá ẩn chứa bên trong đó.
Nhà Tongkonan được xây trên trục những thân cột to cao, rắn chắc. Mái nhà lợp bằng lá, kim loại hay ngói nung, được thiết kế dáng cong hình thuyền cao vút, kiêu hãnh. Hai mũi thuyền ở hai đầu được kéo ra và dựng cong lên một góc 45 độ, khiến tổng thể căn nhà cứ một chiếc thuyền bồng bềnh giữa màu xanh cây lá chung quanh.
Mặt trước nhà tongkonan thường quay về hướng bắc (hướng tổ tiên). Tường và sàn nhà thường làm gỗ, được trang trí với nhiều gam màu đặc trưng (màu đen = bóng tối, chết chóc; màu trắng = thuần khiết; màu đỏ = màu máu, màu sự sống; vàng = màu mặt trời, quyền lực). Nhiều môtíp trang trí được cho là mang phong cách văn hóa Đông Sơn truyền bá từ đất liền ra. Theo chiều thẳng đứng, tổng thể tongkonan chia ra ba phần: trên cùng là nơi linh thiêng dành cho tổ tiên và là nơi cất giữa các báu vật gia truyền; ở giữa là không gian sống của con người; và bên dưới sàn nhà là nơi cột gia súc.
Theo quan niệm Toraja, ba tầng không gian trong mỗi tongkonan tượng trưng cho ba tầng vũ trụ thiên giới - dương gian - địa ngục; cả căn nhà tongkonan là một vũ trụ thu nhỏ, là nơi gặp gỡ của quá khứ - hiện tại - tương lai, và là nơi hội tụ của “khí” từ tứ phương Đông - Tây - Nam - Bắc.
Theo truyền thuyết Toraja, thuở hồng hoang khi loài người còn ở trên thiên giới, ngôi nhà tongkonan đầu tiên được Đấng Sáng thế Puang Matua xây dựng trên bốn chiếc cột lớn là lợp mái bằng một thứ vải thiêng, và khi tổ tiên Toraja xuống trần đã mang theo mẫu kiến trúc Indonesia ấy. Và cứ thế, các thế hệ Toraja vẫn giữ nguyên phong cách nguyên thủy, coi đó biểu tượng thiêng liêng mà Đấng sáng thế đã ban tặng cho riêng họ.
Từng làng bản Toraja đều có tongkonan trung tâm (như đình, nhà rông ở Việt Nam) do người dân hợp sức xây dựng làm trung tâm sinh hoạt chính trị - xã hội - tôn giáo cộng đồng. Theo quy định cũ, chỉ có các chức sắc mới có quyền dựng tongkonan riêng, song quy mô thường nhỏ hơn tongkonan trung tâm. Hiện nay, việc xây dựng tongkonan hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng tài chính của mỗi gia đình do phải mất nhiều công sức và tiền của.
Ngày nay, các ngôi nhà tongkonan mới được thi công xây dựng bằng các nguyên vật liệu hiện đại hơn, song cốt cách truyền thống vẫn là điều thiêng liêng mà người Toraja muốn dành tặng cho con cháu mai sau.
Năm 1953, Ủy ban Phát triển Istiqlal Mosque (PPMI) đã được Tổng thống Soekarno cho thành lập nhằm chuẩn bị xây dựng ngôi thánh đường quốc gia tại thủ đô Jakarta. Nhiều địa điểm đã được đề xuất trong đó có đề nghị của Phó Tổng thống Mohammad Hatta tại vị trí gần khu dân cư trên đại lộ Thamrin, nơi ngày nay hiện diện khách sạn Indonesia. Tuy nhiên, Tổng thống Soekarno đã nhấn mạnh đến ý nghĩa quốc gia của ngôi thánh đường: phải có vị trí ngay tại chính tâm thành phố theo truyền thống Java, phải gần Merdeka Palace, quảng trường Medeka, kể cả gần nhà thờ Công giáo Jakarta như một thông điệp gởi đến mọi người về sự hòa hợp và khoan dung tôn giáo…
Theo ý kiến chỉ đạo của Tổng thống, vị trí công viên Wilhemina lúc bấy giờ còn là một nơi hoang vu và nhếch nhác với nguồn nước tù đọng đã được chọn lựa. Để có mặt bằng chỉnh chu cho công trình đại thánh đường, một số tàn tích còn sót lại như các bức tường của trụ pháo đài Frederik Hendrik cùng những tòa nhà hoang phế do Hà Lan xây dựng từ năm 1837 đã được phá bỏ.
Đã có 27 đồ án thiết kế tham gia cuộc thi với 5 đề tài được chọn vào chung khảo, gồm “Niềm tin” (F. Silaban), “Istighfar” (R. Oetoyo), “Chúc mừng” (Hans Groenewegen), “Ilham 5” (nhóm 5 sinh viên ITB), “Chatulistiwa” (nhóm 3 sinh viên ITB). Sau quá trình xem xét nghiêm túc, ngày 5-7-1955, Tổng thống Soekarno và Hội đồng giám khảo đã nhất trí chọn đồ án “Niềm tin” của Frederick Siolaban - một kiến trúc sư Công giáo nổi tiếng đến từ thành phố Bonandolok (Bắc Sumatra) và là một trong những sinh viên tốt nghiệp tốt nhất từ Bouwkunst Académie Amsterdam (Hà Lan) năm 1950.
Tên “Masjid Istiqlal” xuất phát từ “Istiqlal” trong ngôn ngữ Ả Rập có nghĩa là “Độc lập”, vì vậy mà nó còn được biết đến với tên gọi “Thánh đường Hồi giáo Độc lập” (Independence Mosque).
Tọa lạc trên diện tích khuôn viên 9,32ha được ôm gọn bởi dòng sông Ciliwung chảy qua từ phía Đông, Thánh đường Masjid Istiqlal là một phức hợp khá tinh tế gồm hai cấu trúc hình vuông và hình chữ nhật được xây nổi để trống tầng trệt bên dưới, đưa không gian sinh hoạt lên cao hơn mặt bằng chung quanh. Tuy chỉ chiếm chừng 26% tổng diện tích nhưng nhờ các hành lang liên kết bên ngoài đã hình thành hai sân thượng, mở rộng đáng kể không gian thực tế, tạo cho ngôi thánh đường vẻ bề thế đồng thời giữ được sự thông thoáng tĩnh lặng thuận tiện cho việc cầu nguyện và giao tiếp với thần linh.
RahmatanLil-Alamin là nhà thờ Hồi giáo nằm ở Java Indramayu, phía Tây Indonesia. Công trình này được xây dựng bởi các trường đại học Al-Zaytun và là điểm đến không thể bỏ qua trong lịch trình tham quan Indonesia của bạn.
Nhìn từ ngoài vào, Nhà thờ Hồi giáo RahmatanLil-Alamin trông như một tòa thành kiên cố với 6 tầng lầu và có sức chứa hơn 100.000 người. Chính bởi vậy, RahmatanLil-Alamin luôn được chọn là nơi tổ chức các buổi lễ lớn của đất nước.
Bảo tháp Borobudur tọa lạc cách 42km về phía Bắc thành phố Yogyakarta, trung tâm của đảo Java, quốc gia Indonesia, và đã được UNESCO xếp hạng Di sản thế giới vào năm 1991.
“Borobudur”, trong tiếng Indonesia, có nghĩa là “Tháp Phật trên đồi cao”. Ngôi tháp được xây dựng trên ngọn đồi cao 27 mét, với mặt bằng hình vuông rộng 2.500m². Nhìn từ trên cao, Borobudur có hình ảnh của một mạn-đà-la, tức sơ đồ vũ trụ theo Phật giáo Tây tạng. Nền tháp là một đài hình vuông có cạnh 123m.
Ngôi tháp cao 32m, có 4 cửa và 9 tầng. Các tầng to, nhỏ, vuông, tròn xen kẽ, kế tiếp nhau. Tầng thứ nhất là những tháp hình tứ giác với những hình tượng Phật và Bồ-tát, đặc biệt là chuỗi hình ảnh ghi lại toàn bộ lịch sử cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tầng thứ hai, chạm trổ những chuyện tiền thân của Phật Thích Ca được mô tả trong Jataka. Tầng thứ ba, bốn và năm trình bày hình ảnh của các vị Bồ-tát như Quan Âm, Địa Tạng, đặc biệt là chuyện tích Thiện Tài đồng tử gặp Bồ-tát Di Lặc được diễn tả trong kinh Hoa nghiêm. Và bốn tầng tháp còn lại phía trên là phần tháp hình quả chuông.
Ban đầu, Borobudur có 602 pho tượng Phật, nhưng một số đã bị mất cắp, ngày nay chỉ còn lại 504 pho tượng Phật, một số bị lấy mất phần đầu. Bảo tháp được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ VII và VIII Tây lịch. Theo các nhà khảo cổ thì để xây dựng hoàn thành công trình vĩ đại này phải mất 100 năm.
Đó là vào đầu thế kỷ thứ VIII, Hoàng triều Sanjaya theo Ấn Độ giáo và thờ thần Shiva, đóng đô ở vùng Bắc trung tâm đảo Java. Một hoàng thân người Campuchia được hoàng triều này che chở, nhưng sau đó ông trở về Campuchia vào năm 802 và lên ngôi vua. Có thể chính ông đã đem theo về nước dự án đầu tiên của Borobudur, vì người ta tìm thấy trên đất Campuchia một ngôi đền nhỏ xây bằng gạch hình tháp tương tự với mô hình của Borobudur.
Kiến trúc ở Indonesia tổng quát của ngôi đền có thể chia làm ba phần từ thấp lên cao, tượng trưng cho ba cảnh giới ở cõi Ta-bà: phần thấp nhất là Dục giới, phô bày những cảnh tượng của thế giới tham dục, gồm đủ loại chúng sinh như quỷ đói, súc sinh, loài người, các cảnh tượng tham lam, những xung lực thấp kém, tham dục và hận thù; phần tiếp theo là Sắc giới, gồm những bậc thánh nhân, và sau hết là các thiên thần thuộc Vô sắc giới. Đối với các tín đồ Phật giáo dưới vương triều Sailendra, thì Borobudur là đại diện cho Phật giáo thực nghiệm. Họ có thể dễ dàng hình dung quá trình tu luyện của bản thân qua kiến trúc của ngôi tháp.
Prambanan là một quần thể đền thờ Hindu ở Trung Java, cách thành phố Yogyakarta khoảng 18 km về hướng đông, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đối tượng thờ là Trimurti, ba vị thần tối cao của đạo Hindu gồm thần sáng tạo Brahma, thần duy trì Vishnu và thần hủy diệt Shiva. Cho đến thời điểm này, đây là đền thờ Hindu lớn nhất Đông Nam Á. Tháp chính giữa cao tới 47 mét.
Mục đích là để chứng tỏ nhà Sanjaya đã từ bỏ Phật giáo để quay về với Hindu giáo như người sáng lập vương triều. Prambanan được xây dựng cũng có lẽ nhằm ganh đua với các tự viện Phật giáo Borobudur và Sewu mà các vua theo đạo Phật của nhà Sanjaya (tức triều đại Sailendra) đã xây dựng. Một số nhà khảo cổ học nhận thấy biểu tượng Shiva trong chính điện của ngôi đền cao nhất và nằm chính giữa lại thể hiện chân dung Vua Balitung.
Quần thể đền được xây dựng tích cực dưới nhiều đời vua của Medang, nhất là các vua Daksa và Tulodong. Xung quanh tháp chính là hàng trăm đền tháp thấp hơn, gọi là perwara. Prambanan được coi là ngôi đền hoàng gia của vương quốc Medang theo đạo Hindu, nơi tổ chức nhiều lễ nghi tín ngưỡng và hiến tế. Các học giả cho rằng, vào thời kỳ hoàng kim của vương quốc, có hàng nghìn tu sĩ Bà la môn và đệ tử của họ sống quanh quần thể đền này. Trung tâm thành phố và triều đình của Medang đóng gần đó, trong đồng bằng Prambanan.
Với lối kiến trúc Indonesia độc đáo và mang đậm dấu ấn lịch sử nhà Phật, hằng năm Maha Vihara Duta thu hút hàng ngàn lượt du khách ghé thăm tham quan và tìm hiểu về văn hóa phật giáo.
Trong chuỗi hành trình khám phá hòn ngọc thô Batam, điểm đến đầu tiên cho khách du lịch Indonesia chính là chùa Di Lạc Maha Vihara Duta, đây là ngôi chùa lớn và nổi tiếng nhất trong khu vực Đông Nam Á. Được xây dựng năm 1991 trên diện tích rộng 4,5 ha, Maha Vihara Duta có kiến trúc khá độc đáo, tiêu biểu của cộng đồng người Hoa, gồm 5 toà nhà tuyệt đẹp và sảnh chính “Graha Maitreya” với sức chứa khoảng 2.000 người trong tour hành hương Phật giáo mỗi năm.
Đặc biệt, chùa Di Lạc Maha Vihara Duta còn có một sức hút kỳ lạ trong tour du lịch Sing-Ma-Indo của du khách, mang ý nghĩa và giá trị tôn giáo to lớn, xứng đáng là di tích của hiện đại với thông điệp tình yêu phổ quát. Điều này mang đến cho bạn cảm giác như đang được chào đón một cách nồng nhiệt giữa thế giới an lành, đầy tình yêu thương và niềm hạnh phúc.
Bali vốn được mệnh danh là thiên đường du lịch với du khách. Không chỉ có những bãi biển hoang sơ, quyến rũ mà nơi đây còn có hàng trăm ngôi đền với kiến trúc đặc trưng của Indonesia, thu hút du khách đến tìm hiểu văn hóa và tín ngưỡng ở hòn đảo xinh đẹp này. Đây là một trong những công trình có kiến trúc tại Indonesia được nhiều du khách ghé thăm nhất.
Để lên được ngôi đền thiêng, bạn phải trải qua 1700 bậc thang. Đây cũng chính là lý do ngôi đền còn được gọi là “ngôi đền nghìn bậc”. Một điểm đáng lưu ý với du khách là khi bước chân đến đây, bạn buộc phải quấn khăn sarong để gìn giữ sự tôn nghiêm và linh thiêng cho ngôi đền.
Khu đền thượng nằm ở độ cao 1.170m so với mặt nước biển, từ vị trí này, bạn có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn trọn vẹn khung cảnh núi rừng và vùng biển rộng lớn trước mặt.
Cánh cổng nằm ở ngôi đền Pura Lempuyang là lý do khiến du khách cảm thấy hứng thú và có động lực hơn để tới đây. Cánh cổng này với hoa văn trang trí tinh tế, tỉ mỉ, mang ý nghĩa Phật giáo cũng như nền văn hóa đặc trưng của người dân bản địa. Điểm đặc biệt là cánh cổng được thiết kế tách đôi, tạo ra khung cảnh đẹp như tranh vẽ.
Đứng ở cổng trời này, bạn còn có cơ hội ngắm những đám mây bay ngang tầm mắt. Sáng tạo một chút, chỉ cần biết tạo dáng là bạn sẽ có ngay một bộ sưu tập ảnh đẹp và cực độc với không gian có một không hai tại ngôi đền thiêng ở Bali.
Người Indonesia có câu nói rằng đến Bali mà chưa đến thăm đền Pura Lempuyang thì coi như chưa đến Bali. Vậy thì còn chần chừ gì mà không đặt chân đến thiên đường trên mặt đất này và chọn đền Pura Lempuyang làm điểm đến tiếp theo trong hành trình của mình.
Blog’s Nguyễn Kiều Việt Như, tổng hợp
Link nội dung: https://chodichvu.vn/kiaon-traoc-aao1p-taoi-indonesia-aaeapsc-khach-du-lach-gha-tham-nhiau-nhaoyent-a37020.html