USTH nổi tiếng với đặc sản “du học” khi rất nhiều sinh viên đã chinh phục thành công học bổng danh giá để sải cánh 5 châu. Do đó, chi phí du học là một chủ đề mà các bạn học sinh, sinh viên cũng như phụ huynh rất quan tâm. Vậy chi phí du học tại các quốc gia cụ thể ra sao? Mời Quý vị cùng lắng nghe chia sẻ từ các cựu sinh viên USTH trong bài viết dưới đây nhé!
1. Chi phí du học Pháp
Pháp là điểm đến yêu thích của sinh viên USTH. Tại đây, Thu Hằng đã lựa chọn học tại ĐH Toulouse III - Paul Sabatier. Hằng chia sẻ: “Tiền học/năm của mình ~ €6.000. Tiền thuê nhà thường là khoản khá “nặng đô”. Nhưng nhờ có chính sách hỗ trợ nhà ở cho sinh viên (CAF) của Chính phủ Pháp, nên mình chỉ mất ~ €200/ tháng. Do vậy, tổng chi phí dao động từ €700-900/ tháng”. Hằng cũng cho biết, cô bạn nhận được học bổng toàn phần chương trình Thạc sĩ nên khá thoải mái để chi trả toàn bộ chi phí học tập, ăn ở. Thậm chí, Hằng còn tiết kiệm được một khoản “kha khá” để đi du lịch Châu Âu. Việc ngao du khám phá cũng là cách để Hằng quan sát và học hỏi về cuộc sống bản địa, cũng như trau dồi thêm khả năng sử dụng nhiều ngoại ngữ của bản thân.
Khi mới sang Pháp, Hằng gặp một số trục trặc và cũng chưa quen với các hồ sơ giấy tờ ở đây. Vì vậy, để gỡ rối khó khăn này, Hằng dành lời khuyên rằng các bạn hãy mạnh dạn kết nối với các anh chị khóa trước hoặc cộng đồng Vietnam đang sinh sống/học tập tại đó để được giúp đỡ.
Nhờ vào những trải nghiệm đặc biệt ấy, Hằng thấy mình tự tin và trưởng thành hơn rất nhiều.
2. Chi phí du học Mỹ
Việt Nam đứng thứ 5 về số sinh viên quốc tế tại Mỹ (Theo báo cáo thường niên Open Doors 2023 của Viện Giáo dục quốc tế Mỹ (IIE)). Đây cũng là điểm đến yêu thích của nhiều sinh viên của USTH, đặc biệt là những bạn trẻ ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh như Lương Minh Khánh.
Sau một thời gian làm nghiên cứu sinh tại xứ sở cờ hoa, Minh Khánh đã chia sẻ về các khoản chi phí để học tập và sinh hoạt ở Bloomington, Indiana (Mỹ). Cụ thể:
- Về nhà ở: chi phí thuê nhà ở đây khá hợp lý, ~400 - 1.200 $/ tháng (đã bao gồm điện, nước, Internet). Theo Khánh, chọn các trường trong “College town” thì tiền nhà sẽ rẻ hơn nhiều.
- Về sinh hoạt: Sinh hoạt phí tại đây cao hơn so với các bạn chọn du học Pháp hay các nước châu Âu khác. Vì thế, Minh Khánh thường tự nấu ăn với khoản chi từ 70 - 80 $/ tuần. Thậm chí, nếu tiết kiệm hơn nữa thì sẽ chỉ mất khoảng 40 $/ tuần. Khánh cho biết: “Ở Mỹ có văn hoá tiền tip. Bạn mua đồ gì cũng nhớ +10-20% vào nhé. Mỗi bang có chính sách thuế khác nhau (tính sau khi mua hàng). Do đó, tìm hiểu kỹ về thuế hàng hóa nơi mình sinh sống sẽ giúp các bạn có kế hoạch chi tiêu hợp lý hơn”.
- Về đi lại: hầu hết các viện/ trường Đại học lớn đều bảo đảm miễn phí cho sinh viên khi sử dụng giao thông công cộng như bus hay tàu. Giá Uber ~10 $/ chuyến (< 5km). Oto khá rẻ, chỉ ~ 1.000 $ bạn cũng có thể sở hữu “xế hộp” của riêng mình.
- Về cuộc sống thường nhật: Cuộc sống ở Bloomington khá dễ chịu. Người dân ở đây luôn sẵn sàng giúp đỡ, dù bạn là người ngoại quốc và không có sự phân biệt nào. Minh Khánh cho biết: “Người Mỹ rất cởi mở trong văn hoá và muốn khám phá nhiều hơn về Việt Nam. Do đó, bạn có thế kết bạn với họ bằng cách chia sẻ về quốc gia mình. Một điều thú vị nữa là họ dễ “siêu lòng” trước đồ ăn ngon ^^” .
Bằng chia sẻ trên đây, Minh Khánh đã mang đến một cái nhìn cụ thể hơn cho những sinh viên USTH muốn thực hiện “giấc mơ Mỹ”. Bạn đã sẵn sàng là người tiếp theo?
3. Chi phí du học Canada
Hồ Thị Anh Đào hiện đang là nghiên cứu sinh tại ĐH Queen’s, Canada. Cô bạn cho biết, mức học phí đối với sinh viên quốc tế tại đây ~ 16.000 CAD/ năm cho chương trình thạc sĩ 2 năm. Mức học phí này đã bao gồm các khoản hỗ trợ cho sinh viên khi sử dụng một số dịch vụ như y tế, chăm sóc sức khỏe và phương tiện giao thông.
Tại thành phố Kingston, chi phí thuê nhà ~ 800 CAD/ tháng (đã bao gồm tiền điện, nước, Internet). Tự nấu ăn vẫn là phương thức mà những du học sinh như Đào ưu tiên bởi nó giúp cô bạn tiết kiệm khá nhiều với mức chi (riêng cho ăn uống) ~ 300 CAD/ tháng.
Tại ĐH Queen’s nói riêng và nhiều trường ĐH khác của Canada nói chung, sinh viên thạc sĩ và nghiên cứu sinh có thể đăng ký làm trợ giảng với mức hỗ trợ ~ 3.100 CAD/ 72 giờ. Ngoài ra, sinh viên có thể tìm được nhiều công việc bán thời gian trong khuôn viên trường thông qua chương trình “Work Study program” (tạm dịch: chương trình vừa học vừa làm) hoặc các chương trình thực tập với mức lương tối thiểu 16 CAD/ giờ. Những công việc này không chỉ mang lại cho sinh viên nguồn thu nhập bổ sung bên cạnh học bổng mà còn mang đến những trải nghiệm và cơ hội quý giá để phát triển kỹ năng.
“Thậm chí các bạn có thể dọn tuyết vào mùa đông, cóng thật sự nhưng lương đảm bảo “hậu hĩnh” lắm luôn!” - Anh Đào chia sẻ.
4. Chi phí du học Ireland
Nguyễn Diệp Quyên có cơ hội tham gia chương trình trao đổi tại Ireland theo thỏa thuận hợp tác giữa ĐH Cork và USTH. Cô bạn đã có những chia sẻ rất chi tiết về các khoản chi phí để học tập và sinh hoạt tại TP. Cork, Ireland.
- Về chi phí học tập: Diệp Quyên đi trao đổi theo hình thức quy đổi tín chỉ tại trường nên cô bạn sẽ chỉ đóng học phí của kỳ học đó tại USTH và không cần đóng học phí tại trường trao đổi.
- Về nhà ở: Nhìn chung, giá thuê một căn riêng/ studio và kí túc xá ở trường dao động từ €600 - €1200/người (đây là mức Quyên tham khảo khi tìm nhà ở quanh trường ĐH Cork và kí túc xá của trường). Chi phí điện nước có thể tính chung trong tiền nhà hoặc không tùy theo nơi mình thuê, nhưng tiền điện khá cao, nhất là mùa đông do cần sử dụng máy sưởi. Với chi phí khá đắt đỏ như vậy, sinh viên thường thuê chung để tiết kiệm chi phí.
- Về sinh hoạt: Nếu bạn tự nấu ăn thì giá cả ở siêu thị khá hợp lý. Họ hay bán theo pack to, có cả đồ tươi sống và đồ ăn sẵn đa dạng. Đặc biệt, với những ai là tín đồ món ăn châu Á, thì ở đây có chợ châu Á nhưng giá khá cao, ví dụ: một gói mì ở chợ châu Á ~ €5 trong khi ở siêu thị là €1 - 2. Về chi phí ăn nhà hàng, đồ ăn sẽ rơi vào khoảng €7 - 15/ món. Đồ ăn ở canteen trường ~ €4 - 8/món.
- Về đi lại: Chiều xe ở Ireland ngược với Việt Nam. Phương tiện công cộng ở đây có bus, UBER và xe đạp. Sinh viên thường chọn đi bus vì giá rẻ và thuận tiện. Giá bus ở Cork ~ €1.9/người lớn/lượt. Nếu sinh viên làm thẻ Leap card thì sẽ rẻ hơn. Giá bus sẽ chênh lệch ở các thành phố khác nhau. Một lưu ý nhỏ cho các bạn ưa khám phá là bạn có thể di chuyển đến phía Bắc Ireland (thuộc Anh) mà không cần visa. Tuy nhiên, nếu ra khỏi Bắc Ireland để qua Anh cũng như các nước thuộc Liên minh châu Âu thì bắt buộc phải có visa.
Bên cạnh đó, Diệp Quyên còn chia sẻ thêm nhiều điều thú vị khác khi học tập tại ĐH Cork. Diệp Quyên ấn tượng với sự vui vẻ và nhiệt tình của giảng viên. Họ sẵn sàng giải đáp các thắc mắc của sinh viên kể cả ngoài giờ học và qua email. Ban đầu, dù gặp phải 1 số trở ngại ngôn ngữ trong giao tiếp, nhưng thầy cô vẫn rất kiên nhẫn lắng nghe và giải đáp thắc mắc của Quyên. Ngoài ra, ĐH Cork tổ chức nhiều sự kiện cho sinh viên quốc tế. Bạn có thể tham gia các sự kiện này để kết thêm bạn mới và nhanh chóng hòa nhập với môi trường đa văn hóa.
Về cuộc sống thường nhật, Quyên cũng chia sẻ rằng cô bạn cảm thấy may mắn khi tìm được căn nhà với giá thuê hợp lý và bà chủ nhà cực kỳ thân thiện. Bà thường đi chợ vào cuối tuần và luôn hỏi Quyên có cần thêm gì không. Bà thường xuyên quan tâm, hỏi han và chia sẻ mọi chuyện. Người dân ở đây rất hòa nhã, cởi mở, sẵn sàng giúp đỡ bạn khi cần. Do đó, cô bạn cảm thấy “ấm lòng” trong những ngày tháng học tập xa nhà.
5. Chi phí du học Hàn Quốc
Tú Uyên đã có thời gian tìm hiểu về các loại học bổng ở Hàn Quốc cũng như có điều kiện tham gia một khóa tập huấn theo đề tài của USTH tại Hàn Quốc. Theo Uyên, bạn có những chia sẻ cụ thể như sau:
- Về học bổng: về cơ bản, Hàn Quốc thường chia thành 2 loại: học bổng Chính phủ và học bổng Giáo sư
- Học bổng Chính phủ chương trình sau đại học sẽ bao gồm sinh hoạt phí (900.000 KRW), trợ cấp nghiên cứu (210.000 - 240.000 KRW), bảo hiểm (20.000 KRW), học phí (100%), phí học tiếng hàn (100%), phí thanh toán khi nhập cảnh (200.000 KRW).
- Học bổng Giáo sư có giá trị tuỳ thuộc vào quy mô dự án, kinh nghiệm ứng viên. Về cơ bản, các bạn hoàn toàn có thể thương lượng khi phỏng vấn (dao động 800-1.500.000 KRW/ tháng với Thạc sĩ, 1.000.000 - 2.500.000 KRW /tháng với Tiến sĩ). Tiền nhà 200.000 - 500.000 KRW/ tháng tuỳ thành phố. Ngoài ra, bạn có thể lựa chọn phương án ở Ký túc xá. Ký túc xá ở Hàn khá tiện nghi.
- Về phương tiện đi lại: ở Hàn Quốc có thể di chuyển bằng phương tiện công cộng như bus, tàu, xe đạp, scooter với giá thành khá rẻ, chi phí đi lại 30.000 - 50.000 KRW/ tháng. Ngoài ra, đi bộ cũng là một lựa chọn không tồi (nhưng hãy bỏ túi 1 đôi giày thể thao tốt, việc này sẽ tiết kiệm cho bạn kha khá đấy).
- Về bảo hiểm: Bảo hiểm bắt buộc là 6,12% lương (có visa sinh viên sẽ được giảm 50%). Học bổng chính phủ sẽ bao gồm cả khoản bảo hiểm này. Với học bổng Giáo sư, bảo hiểm sẽ được trừ vào lương hàng tháng.
- Về chi phí ăn uống: ~ 500.000 - 700.000 KRW/ tháng.
Thời gian Uyên thực tập ở Hàn Quốc, cô bạn rất ấn tượng với quy mô và tác phong làm việc của người Hàn. Lúc mới sang Hàn Quốc, Uyên khá vất vả vì không biết tiếng Hàn, ngoài các thủ tục hành chính cần người biết tiếng hỗ trợ thì khi đi mua đồ ăn, đi chơi… đều trở nên rắc rối nếu bạn không có ai biết tiếng đi cùng. Vì vậy, kinh nghiệm cô bạn đúc rút được đó là: “Bạn nên học tiếng Hàn để nói chuyện với người bản xứ, vì người Hàn khá ít người thích dùng tiếng anh”.
Uyên ở tại tỉnh biên giới giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Tại đây, cô bạn có khá nhiều trải nghiệm thú vị. Đặc sản của vùng Chuncheon ngoài gà xào bắp cải như mọi người thường biết thì Uyên cực kỳ ấn tượng với cảnh diễn tập máy bay quân sự hoành tráng.
6. Chi phí du học Nhật Bản
Theo học chương trình Thạc sĩ Ngành Công nghệ Sinh học: Thực vật - Y sinh - Dược học (USTH), Đỗ Thị Yên đã có quá trình thực tập, nghiên cứu tại cả Pháp và Nhật Bản. Trong đó, Nhật Bản là quốc gia để lại nhiều ấn tượng thú vị với cô bạn này. Theo Yên, chi phí sinh sống ở Nhật khá cao, ước tính ~ 80.000 JPY/ tháng (~ 15,2 triệu VNĐ), trong đó: giá thuê nhà từ 50.000 JPY/ tháng, sinh hoạt phí ~ 30.000 JPY/ tháng, đi lại, bảo hiểm ~ 10.000 JPY. Tuy nhiên, cô bạn nhận được “tài trợ” từ RIKEN nên có thể chi tiêu khá thoải mái.
Bù lại sự đắt đỏ trên, Nhật Bản là một đất nước rất an toàn và đáng sống. Yên có cơ hội “du hí” đến nhiều thành phố xinh đẹp như Tokyo, Kyoto, Osaka, Yokohama, Kobe, Hokkaido, … hòa mình với vẻ đẹp thiên nhiên và trải nghiệm những nét văn hoá địa phương đặc sắc, độc đáo. Đặc biệt, Yên bị “cuốn hút” bởi phong cách chế biến đồ ăn ở Nhật như nghệ thuật cắt cá sashimi, mì ramen, các món bánh mochi và rượu sake. Người Nhật rất nhiệt tình, thân thiện. Họ có ý thức bảo vệ môi trường cao và tránh sự ồn ào. Yên chia sẻ: “Một trong những tips để nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống bản địa, đó là bạn nên học tiếng Nhật giao tiếp cơ bản. Nó cũng giúp ích cho bạn trong cuộc sống thường ngày như: siêu thị, tàu xe, vui chơi, giải trí, …”