Chứng phình động mạch là hiện tượng một túi phình to xuất hiện trên động mạch, xảy ra khi có sự suy yếu trong thành động mạch và khiến bệnh nhân có nguy cơ chảy máu do vỡ túi phình động mạch. Chảy máu do phình động mạch thể hiện qua việc xuất huyết khoang dưới nhện và là nguyên nhân thường gặp của đột quỵ xuất huyết.
Chứng phình động mạch thường hình thành theo thời gian. Độ tuổi trung bình mắc chứng phình động mạch thường là 40-60 tuổi và có thể thay đổi. Chứng bệnh này có thể đi kèm với các tình trạng khác như tăng huyết áp và tiền sử hút thuốc. Khoảng 20% bệnh nhân mắc nhiều (hai hoặc nhiều) chỗ phình động mạch cùng lúc.
Nhiều bệnh nhân không có triệu chứng cho đến khi vỡ túi phình động mạch. Trong một số trường hợp, phình động mạch có thể gây đau đầu hoặc các triệu chứng thần kinh trước khi chảy máu. Một số chứng phình động mạch được tìm thấy trước khi vỡ hoặc chảy máu bằng máy chụp CT hoặc MRI. Hầu hết những người bị phình động mạch cần chụp động mạch não để chẩn đoán cuối cùng cũng như để xác định phương pháp điều trị tốt nhất.
Mục tiêu điều trị đối với phình động mạch là kẹp phình động mạch, từ đó loại trừ khả năng chảy máu. Điều này được thực hiện với một phẫu thuật để “kẹp” (clip) phình động mạch hoặc thủ thuật can thiệp nội mạch để đặt “coil” (cuộn xoắn titanium) vào phình động mạch. Kẹp túi phình động mạch được thực hiện bằng cách mở hộp sọ và đặt một “kẹp” (clip) trên động mạch.
Phương pháp điều trị nội mạch là một thủ thuật giúp ích rất nhiều cho bệnh nhân mắc các bệnh nghiêm trọng không thể thực hiện phẫu thuật. Các cuộn dây xoắn bạch kim được dẫn vào phình động mạch thông qua một ống thông, tạo ra một cục máu đông giúp đóng kín túi phình mạch máu xung quanh, ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ xuất huyết trong tương lai.
Phình động mạch với cổ hoặc lỗ rộng hơn đôi khi sẽ được điều trị bằng các thủ thuật can thiệp nội mạch như sử dụng bong bóng để giữ dây xoắn ở vị trí bên trong phình động mạch, hoặc đặt stent nhỏ hay một ống lưới nhỏ có khả năng giữ cuộn dây đúng vị trí.