1. Tổng quan về bệnh tiểu đường
Bệnh đái tháo đường khiến cho bệnh nhân không tự chuyển hóa tinh bột đường từ thực phẩm tiêu thụ hàng ngày để tạo ra năng lượng. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ làm tích tụ đường trong máu và khi chỉ số đường huyết luôn ở mức cao sẽ dễ dẫn tới các bệnh lý về tim mạch cũng như làm tổn thương nhiều cơ quan khác trong cơ thể như mắt, thận, thần kinh, da,...
Trên thực tế, nếu phát hiện và tầm soát sớm các yếu tố nguy cơ gây bệnh tiểu đường sẽ có giá trị rất lớn trong việc điều trị bệnh và giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Một số yếu tố ảnh hưởng tới hàm lượng đường trong máu của người bệnh bao gồm:
-
Tiền sử đái tháo đường thai kỳ;
-
Chế độ ăn uống thiếu khoa học;
-
Trong gia đình có người thân (ông, bà, cha, mẹ) bị tiểu đường;
-
Ít vận động, tập luyện thể dục thể thao. Càng hạn chế vận động thì nguy cơ bị tiểu đường sẽ càng cao;
-
Rối loạn mỡ máu;
Tiểu đường thai kỳ cũng là một trong các yếu tố làm tăng nguy cơ tiến triển thành tiểu đường sau này
-
Thừa cân, béo phì. Đặc biệt là những người chỉ số BMI > 35;
-
Huyết áp cao: > 140/90 mmHg;
-
Mắc hội chứng buồng trứng đa nang: phụ nữ khi bị mắc hội chứng này thường có các biểu hiện như béo phì, rậm lông, chu kỳ kinh nguyệt không đều và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường;
-
Mẹ bầu thừa cân, tiền sử gia đình bị tiểu đường, rối loạn dung nạp glucose cũng làm gia tăng rủi ro đái tháo đường;
-
Rối loạn giấc ngủ: một số người bị ngưng thở khi ngủ hay tính chất công việc thay đổi ca đêm hoặc ca ngày khiến cho chất lượng giấc ngủ kém. Những vấn đề liên quan đến giấc ngủ cũng là một trong các yếu tố làm tăng nguy cơ đái tháo đường.
2. Phân loại đái tháo đường
Cách phòng tránh bệnh tiểu đường còn phụ thuộc vào loại tiểu đường mà bệnh nhân gặp phải. Có 2 thể chính trong đái tháo đường:
Tiểu đường tuýp 1:
Căn nguyên khởi phát bệnh là do tế bào beta trong tuyến tụy có chức năng sản xuất ra insulin bị phá hủy. Điều này khiến insulin tiết ra rất ít hoặc không được tiết ra, từ đó không thể tham gia vào quá trình ổn định lượng đường trong máu dẫn tới bệnh tiểu đường.
Hầu hết bệnh tiểu đường tuýp 1 thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên dưới 20 tuổi. Triệu chứng của tiểu đường tuýp 1 thường xuất hiện đột ngột, diễn biến nhanh nên dễ dàng được phát hiện.
Tiểu đường tuýp 2:
Không giống như tiểu đường tuýp 1, tiểu đường tuýp 2 xảy ra khi insulin tiết ra lại không điều hòa được lượng đường huyết do tế bào beta tuyến tụy bị suy giảm chức năng, dẫn tới kháng insulin.
Thể đái tháo đường tuýp 2 phổ biến hơn cả và hay gặp nhất là ở những người tuổi trên 40 và bệnh đang có xu hướng trẻ hóa dần. Bệnh khó phát hiện sớm do triệu chứng thường không bộc lộ rõ ràng.
Ngày nay tiểu đường cũng có thể xuất hiện ở những người trẻ tuổi
Bên cạnh 2 thể chính nêu trên, đái tháo đường còn gặp ở phụ nữ mang thai. Trong thời kỳ thai nghén, nhau thai (bộ phận cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi) sẽ tạo ra các hormon như progesterone và estrogen làm tăng kháng insulin. Khi tuyến tụy không đủ khả năng để tiết ra lượng insulin cần thiết để vượt qua hiện tượng kháng insulin này thì sẽ khiến đường bị tồn đọng nhiều trong máu gây tiểu đường thai kỳ.
Đái tháo đường thai kỳ tuy sẽ chấm dứt sau khi người mẹ sinh con trong vòng 6 tuần nhưng cần phải được kiểm soát tốt trong suốt thời gian mang thai để không gây ra biến chứng cho cả mẹ và bé. Đồng thời sau khi sinh con xong, người mẹ cũng nên có một chế độ ăn uống lành mạnh để bệnh không tiến triển thành đái tháo đường tuýp 2.
3. Các cách phòng tránh bệnh tiểu đường
Hiện nay vẫn chưa tìm ra cách phòng tránh bệnh tiểu đường tuýp 1. Tuy nhiên người bệnh có thể hạn chế nguy cơ bệnh có thể tiến triển thành đái tháo đường tuýp 2 bằng việc thay đổi kế hoạch ăn uống và tập luyện một cách lành mạnh, khoa học hơn.
Đối với thói quen ăn uống, bệnh nhân cần:
-
Cắt giảm lượng tinh bột, đường, chất ngọt trong thực phẩm và thay bằng chất đạm có trong cá, trứng, thịt, chất xơ và vitamin thừu trái cây, rau củ;
-
Tăng cường ăn nhiều cá hơn, tối thiểu nên ăn 2 bữa/tuần;
-
Hạn chế muối, tránh ăn mặn, bánh kẹo và nước ngọt có gas;
-
Không nên ăn nhiều nội tạng và mỡ động vật;
-
Từ bỏ thói quen hút thuốc lá và sử dụng rượu bia;
-
Ưu tiên các loại ngũ cốc nguyên cám. Ăn ít cơm trắng và khi ăn nên nhai kỹ, chia nhỏ khẩu phần ăn trong ngày.
Người bệnh nên áp dụng một chế độ ăn lành mạnh và chia thành nhiều bữa trong ngày
Chế độ luyện tập thể dục, thể thao:
-
Mỗi ngày nên dành ra ít nhất từ 30 - 45 phút đi bộ hoặc tập luyện một bộ môn thể thao nào đó. Không nên nghỉ quá 2 buổi/tuần;
-
Sau khi ăn nên nghỉ ngơi từ 30 - 45 phút. Sau đó đi bộ thư giãn tầm 15 - 20 phút để tránh việc đường huyết gia tăng quá cao sau khi ăn xong;
-
Đối với những người làm công việc văn phòng, nếu làm ở tầng thấp nên hạn chế dùng thang máy mà hãy luyện thể lực bằng cách đi cầu thang bộ, tránh ngồi yên một chỗ quá lâu. Nên đứng lên, đi lại nhẹ nhàng xung quanh khu vực làm việc khoảng 1 tiếng/lần.
Ngoài ra, để tăng hiệu quả điều trị bệnh tiểu đường, người bệnh có thể kiểm soát lượng đường trong máu bằng các sản phẩm bổ trợ theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa. Biện pháp này sẽ góp phần ổn định chỉ số đường huyết cũng như ngăn chặn nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
Hiện nay Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC đã và đang triển khai dịch vụ chẩn đoán tiểu đường giúp phát hiện sớm nguy cơ tiểu đường, phân loại tuýp đái tháo đường mà bệnh nhân mắc phải, qua đó cùng người bệnh theo dõi diễn tiến của bệnh và xây dựng chế độ dinh dưỡng, luyện tập phù hợp.
Để đặt lịch khám và lắng nghe tư vấn chi tiết hơn, bạn có thể liên hệ qua Tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC.