Quá phát cuốn mũi còn gọi là phì đại cuốn mũi. Tình trạng này gây nghẹt mũi dai dẳng và nguy cơ phát triển viêm xoang, đau đầu mãn tính và nhiều biến chứng khác.
Quá phát cuốn mũi là gì?
Quá phát cuốn mũi là sự phát triển hoặc mở rộng quá mức của các cuốn mũi. Các cuốn mũi là cấu trúc xương nằm bên trong mũi, được bao phủ bởi một lớp đặc biệt gọi là niêm mạc. Cuốn mũi có chức năng lọc, làm ấm và làm ẩm không khí khi chúng ta hít thở.
Niêm mạc sưng lên một cách tự nhiên trong chu kỳ mũi bình thường và khi chúng ta nằm xuống để đáp ứng với các chất gây dị ứng và các kích thích khác.
Khoang mũi thường chứa bộ ba cuốn mũi ở mỗi bên mũi: cuốn trên, cuốn giữa và cuốn dưới. Hầu hết luồng không khí trong mũi đi qua giữa các cuốn mũi giữa và cuốn dưới. Nếu những cuốn này trở nên to ra, việc thở có thể trở nên khó khăn hơn.
Các triệu chứng của quá phát cuốn mũi
Các triệu chứng phổ biến nhất của quá phát cuốn mũi bao gồm:
- Khó thở;
- Tắc nghẽn ở hai bên mũi;
- Nghẹt mũi;
- Nghẹt mũi khi nằm;
- Thở ồn ào hoặc thở bằng miệng khi ngủ;
- Tăng tiết nước mũi.
Nguyên nhân gây quá phát cuốn mũi
Quá phát cuốn mũi thường do lớp da bao phủ xương cuốn mũi trở nên to ra và sưng lên. Đây có thể là vấn đề cấp tính hoặc mạn tính và có thể do nhiều tình trạng gây ra.
Các tình trạng gây quá phát cuốn mũi bao gồm:
- Cảm lạnh thông thường hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên;
- Nhiễm trùng xoang cấp tính;
- Viêm mũi dị ứng;
- Viêm mũi không dị ứng;
- Viêm mũi xoang mạn tính;
- Thuốc thay đổi nội tiết tố.
Các yếu tố hoặc tình trạng liên quan khác có thể gây tắc nghẽn mũi bao gồm:
- Lệch vách ngăn;
- Hẹp van mũi;
- Dị dạng mũi bên ngoài;
- Hoặc các loại bệnh mũi xoang khác.
Biến chứng của quá phát cuốn mũi
Chứng quá phát cuốn mũi nếu không được điều trị, có thể khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
Người bệnh có thể bị nghẹt mũi nặng dẫn đến khó thở nghiêm trọng. Khó thở gây thiếu oxy lên não dẫn đến đau đầu dai dẳng, khó ngủ, ngủ không ngon giấc.
Quá phát cuốn mũi cũng có thể khiến nhiễm trùng xoang thường xuyên do ách tắc dịch xoang. Viêm xoang ảnh hưởng đến chất lượng sống, các biến chứng viêm xoang nghiêm trọng như ngưng thở khi ngủ, viêm dây thần kinh mặt, viêm quỹ đạo thậm chí còn đe dọa tính mạng người bệnh.
Chẩn đoán quá phát cuốn mũi
Quá phát cuốn mũi có thể được chẩn đoán sau khi bác sĩ hỏi bệnh sử chi tiết về các triệu chứng của người bệnh và khám sức khỏe toàn diện.
Bác sĩ sẽ đưa một ống nội soi có đèn vào khoang mũi để kiểm tra kỹ khu vực này và xác định xem cuốn mũi của người bệnh có bị sưng hay không. Trong một số trường hợp, chụp CT cũng có thể được chỉ định để hình dung các cuốn dưới và xác định tình trạng to bất thường của chúng.
Phương pháp điều trị quá phát cuốn mũi thế nào?
Điều trị quá phát cuốn mũi phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể.
1. Điều trị quá phát cuốn mũi bằng các loại thuốc
Điều trị quá phát cuốn mũi bằng các loại thuốc thường được chỉ định nhằm giúp giảm các triệu chứng. Tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể của chứng quá phát cuốn mũi, các loại thuốc có thể bao gồm:
- Nước muối xịt mũi hoặc rửa mũi;
- Thuốc xịt mũi kháng histamin;
- Thuốc xịt mũi steroid;
- Liệu pháp miễn dịch dị ứng.
Đối với trường hợp phì đại cuốn mũi cấp tính, thuốc xịt thông mũi (như Oxymetazoline) chỉ được dùng trong thời gian rất ngắn. Đây không phải là phương pháp điều trị thích hợp cho chứng quá phát cuốn mũi mạn tính. Sử dụng thuốc xịt thông mũi trong hơn ba ngày có thể dẫn đến sưng thêm trong khoang mũi, các triệu chứng xấu đi và gây nghiện khi sử dụng kéo dài.
2. Phẫu thuật
Nếu thuốc không giúp cải thiện các triệu chứng, bác sĩ tai mũi họng có thể đề nghị phẫu thuật để giảm kích thước của các cuốn mũi. Phương pháp này thường được thực hiện thông qua lỗ mũi và không dẫn đến bầm tím hoặc sẹo bên ngoài mũi.
Mục tiêu của phẫu thuật là giảm kích thước của cuốn mũi để cải thiện luồng không khí qua mũi trong khi vẫn bảo tồn chức năng của cuốn mũi. Có nhiều hình thức phẫu thuật khác nhau để giảm kích thước của cuốn mũi. Điều này sẽ tùy thuộc vào chẩn đoán cụ thể của người bệnh, mức độ nghiêm trọng của chứng quá phát cuốn mũi và khuyến nghị của bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng.
Phẫu thuật thường có thể được thực hiện dưới gây tê tại chỗ hoặc toàn thân như một thủ thuật ngoại trú và có thể được kết hợp với các thủ thuật khác để giảm tắc nghẽn mũi. Quy trình liên quan phổ biến nhất được gọi là phẫu thuật tạo hình vách ngăn để giải quyết tình trạng lệch vách ngăn.
Có ba phương pháp phẫu thuật chính để giảm quá phát cuốn mũi:
2.1 Cắt bỏ xương cuốn dưới (ITBR)
Điều này liên quan đến việc loại bỏ một phần xương của các cuốn mũi dưới để thúc đẩy luồng không khí trong mũi.(1)
2.2 Cắt một phần cuốn mũi dưới (PIT)
Quy trình này liên quan đến việc loại bỏ mô mềm của cuốn mũi dưới.
2.3 Đốt điện niêm mạc cuốn mũi (SMD)
Kỹ thuật này sử dụng năng lượng nhiệt của chiếc kim để thu nhỏ mô mềm bên trong các cuốn mũi.
Các biến chứng từ phẫu thuật cuốn mũi
Các biến chứng từ phẫu thuật cuốn mũi rất hiếm nhưng có thể bao gồm:
- Biến chứng gây mê;
- Đau;
- Sưng tấy;
- Chảy máu;
- Nhiễm trùng;
- Khô và đóng vảy bên trong khoang mũi;
- Sưng cuốn mũi mọc lại và nghẹt mũi tái phát;
- Hội chứng mũi rỗng (ENS) là tình trạng bất thường có thể xảy ra sau khi phẫu thuật cuốn mũi và thường liên quan đến việc cắt bỏ quá nhiều các cuốn mũi. Lúc này, mũi có thể tiếp tục bị tắc nghẽn mặc dù đường mũi đã được mở sau phẫu thuật. Đây là một tình trạng hiếm gặp nhưng nếu lo lắng về điều này, người bệnh hãy trao đổi với bác sĩ tai mũi họng của mình.
Phòng ngừa quá phát cuốn mũi
Đến nay chưa có biện pháp phòng ngừa nào được khuyến nghị chính thức cho chứng quá phát cuốn mũi. Tuy nhiên, các bác sĩ thường khuyên, mọi người nên chú ý tới những điều sau đây để giảm nguy cơ gây quá phát cuốn mũi.
- Tránh để nhiễm cảm lạnh;
- Tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm;
- Không hút thuốc lá;
- Giữ độ ẩm cho không khí trong nhà trong những tháng mùa đông bằng cách sử dụng máy phun sương, máy xông tinh dầu;
- Đeo khẩu trang mỗi khi đi ra ngoài trời;
- Hạn chế đến nơi đông người trong những đợt lưu hành dịch bệnh;
- Kiểm tra mũi xoang định kỳ hằng năm.
Các thắc mắc về cuốn mũi quá phát
1. Cuốn mũi quá phát có nguy hiểm không?
Quá phát cuốn mũi là một bệnh lý lành tính, nhưng nếu không được điều trị, bệnh kéo dài có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Một số biến chứng từ việc nghẹt mũi như đau đầu dai dẳng đặc biệt gây ra nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn như rối loạn giấc ngủ, trầm cảm.
Một số biến chứng từ nghẹt mũi làm phát triển viêm xoang, sau đó gây biến chứng viêm xoang như ngưng thở khi ngủ đặc biệt nghiêm trọng vì nhưng thở khi ngủ có thể dẫn đến các bệnh tim mạch, bệnh rối loạn chuyển hóa và đột quỵ. Ngoài ra, các biến chứng viêm xoang như viêm màng não có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
2. Có nên phẫu thuật quá phát cuốn mũi?
Nếu đã điều trị bằng các loại thuốc theo kê đơn của bác sĩ mà tình trạng quá phát cuốn mũi không cải thiện, phẫu thuật quá phát cuốn mũi là cần thiết để ngăn ngừa sự tắc nghẽn dẫn đến nhiều biến chứng mũi xoang nghiêm trọng.
3. Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh sau phẫu thuật quá phát cuốn mũi
Không có chế độ ăn uống riêng biệt nào được khuyến nghị cho phẫu thuật quá phát cuốn mũi. Tuy nhiên chăm sóc hậu phẫu nói chung, người bệnh nên ưu tiên ăn các món ăn giàu dinh dưỡng, mềm, nhiều nước và dễ tiêu hóa trong vài ngày đầu như cháo, soup.
Tránh ăn các thức ăn cay nóng nhiều tiêu, ớt, nhiều dầu mỡ gây khó tiêu, ợ hơi, ảnh hưởng đến mũi xoang.
Ngoài ra, người bệnh nên tránh uống rượu bia, hút thuốc lá. Tránh vận động mạnh, bơi lội, đi máy bay trong ít nhất một tháng sau phẫu thuật.
Để đặt lịch khám, tư vấn, điều trị quá phát cuốn mũi tại Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách hàng có thể liên hệ:
Quá phát cuốn mũi mặc dù không gây nguy hiểm nhưng những hệ luỵ do bệnh kéo dài có thể trở nên khó kiểm soát, khó điều trị và tốn kém chi phí. Các triệu chứng của quá phát cuốn mũi cũng khó phát hiện nếu không thăm khám bởi bác sĩ, vì vậy khi có các triệu chứng về mũi xoang, đặc biệt là nghẹt mũi kéo dài quá 3 tuần không cải thiện, người bệnh nên thăm khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để tìm nguyên nhân và điều trị phù hợp.